27 Tháng Mười Một 2017
3554 lượt đọc
Cùng nhìn lại những chi tiết quan trọng liên quan tới đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền và phản ứng của người dân cũng như giới trí thức:
Chữ viết của tiếng Việt hiện tại chưa hợp lý?
PGS-TS Bùi Hiền (Nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) cho biết: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”.
PGS-TS Bùi Hiền (Ảnh: Thanh Niên)
Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra, đó là hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”, tác giả Bùi Hiền chia sẻ.
Bìa cuốn sách có bài viết đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt gây tranh cãi (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Từ đó, PGS Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Đề xuất của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ xử lý như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng bước một. Nhưng chỉ cần mất 1-2 năm là quen dần”.
Bù lại, theo PGS Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính".
Đề xuất thay đổi một số chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền (Ảnh: Zing News).
Không phải đề xuất mới
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền từ tháng 9 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức.
PSG.TS Phạm Văn Tình còn là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS Bùi Hiền, vì tôn trọng ý kiến cá nhân.
Trong số hơn 260 báo cáo hướng về chủ đề "Hội nhập và Phát triển", báo cáo của PGS Bùi Hiền được cho là "lạ", vì vấn đề này đưa ra bàn bây giờ vừa cũ, vừa khó thực thi.
Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định ở một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú. Ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng từng có. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.
PGS.TS Phạm Văn Tình cho hay ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ có từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX. Cụ thể, ngay từ Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông, có người đề xuất phương án thay một số con chữ ( K thay cho C, Q; D thay cho Đ; Z thay cho D; J thay cho GI...).
Năm 1919, trên tờ Trung Bắc Tân Văn, nhiều tác giả (Phó Đức Thành, Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh...) cũng có những đề xuất gây phản ứng, vì nếu sử dụng sẽ là "kỳ quặc": Viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê, OO thay cho Ô; HỮU viết thành HUUUZZ, NHƯỠNG viết thành NHUUOONGZZ...
Sau cách mạng Tháng Tám, có người đề nghị viết theo kiểu đánh Telex (dùng con chữ biểu thị một số âm vị, trong có có thanh điệu, HUYỀN = F, SẮC = S, HỎI = R, NGÃ = X, NẶNG = J...).
Những năm sau này, nhiều nhà Việt ngữ học cũng đưa ra một số đề xuất mà nếu công bố thì cũng gây "sốc" chẳng kém phương án của PGS TS Bùi Hiền, vì nếu đem ra sử dụng thì sẽ phá vỡ hệ thống ký hiệu đã dùng hàng trăm năm trước đó.
Mấy năm trước, một tiến sĩ đề xuất đưa thêm 4 chữ cái (F, J, F, W) vào bảng chữ cái tiếng Việt cũng nhận được phản ứng rất gay gắt từ phía dư luận.
“Chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của PGS Bùi Hiền vì ông đã có luận cứ riêng”, PGS Phạm Văn Tình thông tin.
Một ví dụ về cải tiến chữ viết theo cách của PGS Bùi Hiền (Ảnh: Lao Động).
Phản ứng của dư luận
Giới trí thức
PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam: "Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai nghĩ đến việc cải tiến. Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt đã định hình và chữ quốc ngữ đã tồn tại cả thế kỷ với kho tư liệu đồ sộ từ lúc hình thành đến bây giờ”.
GS-TS Bùi Khánh Thế, chuyên ngành ngôn ngữ học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM: "Có một số bất hợp lý, chẳng hạn ký tự q lại thay thế cho chữ ng, z thay gi, c thay tr, ch… Chưa kể làm vậy sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt. Từ lúc hình thành cho đến nay, tiếng Việt có nhiều âm thay đổi nhưng chữ viết vẫn giữ nguyên. Đó chính là sự bền vững cần có, chỉ những gì bất hợp lý mới mất đi”.
TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí -Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: "Suy cho cùng, bản chất của ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu, quy ước của xã hội. Nó là tập quán, thói quen bao đời nay của người dân. Chúng ta không thể ngồi nghiên cứu rồi đưa ra quy định, bắt người dân phải làm theo. Ngôn ngữ có thể thay đổi và cải tiến nhưng quá trình đó diễn ra hết sức tự nhiên và chúng ta nên tôn trọng điều đó".
Ông Trương Minh Đức, giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM: "Tiếng Việt được hình thành từ lâu, đó là cả một quá trình tất nhiên bản thân nó cũng đã có những quy tắc. Dùng đúng hay chưa phù hợp thì bản thân nó cũng đã mang tính quy ước và có tính ổn định, thống nhất. Việc Chữ quốc ngữ cải tiến dựa trên tiếng nói văn hoá của thủ đô Hà Nội liệu có đảm bảo độ chính xác cao khi bản thân phương ngữ và cả ngữ âm Hà Nội không ai dám chắc là chính xác. Vả lại sự phát triển ngôn ngữ trong tiếng Việt nó còn do yếu tố từ yêu cầu của ngôn ngữ địa phương, vùng miền. Mặc dù điều này khó mang đến sự thống nhất nhưng nó lại làm phong phú vốn từ và thể hiện được bản sắc riêng từng địa phương. Việc dạy và học văn sẽ gặp rất nhiều sự trở ngại. Đó là phải đào tạo lại giáo viên (không kể giáo viên dạy các môn khác môn ngữ văn), điều chỉnh lại tất cả các văn bản văn học, kể cả văn bản văn học chữ quốc ngữ (phải xin phép cả những tác giả đã khuất) hoặc nếu không phải có hàng loạt các chú thích cuối trang để những học sinh đối chiếu với văn bản gốc. Cần nhiều thời gian để giáo viên và cả xã hội làm quen những điều vốn dĩ không cần thiết song hành với bao phức tạp của xã hội”.
TS kinh tế Lương Hoài Nam: "Nếu người Nhật làm thế, họ đâu có được chữ viết tượng thanh Kana ngoài chữ viết tượng hình Kanji mượn của người Hán? Nếu người Hàn cũng làm thế, họ đâu có được chữ viết tượng thanh Hangul ngoài chữ viết tượng hình Hanja mượn của người Hán? Đành rằng biết ơn cụ Alexandre de Rhodes đã cho chúng ta chữ viết, nhưng tự chúng ta cũng nên lao động tý chút để hoàn thiện, phát triển chữ viết của mình chứ nhỉ? Nhưng nếu nghĩ chữ viết tiếng Việt muôn đời sẽ vẫn như cụ Alexandre de Rhodes để lại thì thấy rùng mình với sự ù lì của chúng ta”.
Cộng đồng mạng
Nguyen: Trên thế giới chẳng có ngôn ngữ nào là tối ưu hoàn toàn, tiếng Anh, Pháp, Trung... cũng có những điều không tối ưu, nhưng rồi sao, như Tiến sĩ Ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông nói, nếu có thay đổi thì lại tốn thời gian học lại, thay thế, trong khi trước nay người Việt vẫn dùng được chữ viết này đó thôi. Tiếng Việt không quá khó với quốc tế, vẫn có nhiều người nước ngoài học được đó thôi, lại càng không khó với người Việt.
Đoan Mộc Lạc Nguyệt: Lúc trước mình được thầy dạy là " Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt" chứ chẳng thầy nào dạy mình phải sửa đổi tiếng Việt cả. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Là tinh hoa của một dân tộc? Vậy các người đã làm gì với "tinh hoa" của chúng ta? Đặng Thai Mai từng viết về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Mình nghĩ chắc cấp 2 ai cũng được học rồi chứ. Ai đó hãy giảng lại bài " Sự giàu đẹp của tiếng Việt" cho những con người chưa biết được khai sáng đi. Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!
Trịnh Minh Đức: Tôi thấy về mặt khoa học thì đây là một ý tưởng thú vị, tuy vậy không nên áp dụng thực tế vì rất tốn kém và "hại não". Thời gian, công sức, tiền của dùng để triển khai tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch chính thống giống Singapore thì hay hơn. Trên thực tế thì chữ viết Teen rất thú vị vì viết nhanh và đọc cũng thuận, trong khi đó chữ viết tiếng Việt mới được sáng lập bởi nhà truyền giáo với một cách tôi nghĩ là vội vàng nên còn nhiều yếu điểm. Tôi không nghĩ là "tây" nó không làm thì ta cũng bỏ luôn không cần suy nghĩ, chữ của tây nó ra đời lâu rồi, được hoàn thiện rất tốt cùng với tiếng nói qua thời gian rất dài. Chung quy lại tôi ủng hộ đây là một ý tưởng khoa học, nhưng không ủng hộ thay đổi trong lúc này. Tôi tin là chữ viết tiếng Việt sẽ có sự điều chỉnh một cách tự nhiên theo thời gian, bắt đầu từ ngôn ngữ không chính thức, cho đến khi cả thế giới dùng chung một ngôn ngữ.
Trần Thanh Ân: Nhiều người nghĩ rằng Alexandre de Rhodes là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, có người nghĩ ông là hoàn thiện bảng chữ cái tiếng Việt. Thực ra 2 cái đó đều sai. Trước ông rất nhiều nhà truyền giáo châu Âu dùng ký tự latin để phiên âm tiếng Việt. Sau ông những nhà văn, nhà báo Việt Nam tiếp tục hoàn thiện để cho đến nay bảng chữ cái tiếng Việt ký âm được bất kỳ từ ngữ nào trong tiếng Việt. Alexandre de Rhodes chỉ có công lớn là ở việc định chế chữ quốc ngữ qua cuốn tự điển phiên âm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum mà ông soạn và in ra năm 1651 – thống nhất việc ký âm tiếng Việt lúc bấy giờ. Tôi có nhớ được xem một đoạn văn của Alexandre de Rhodes trong đó ông ghi “đàng trong” là “đàng trõ”, “chúa trời” là “chúa blời”. Rõ ràng chữ latin không có âm “trờ”, đều này gây khó khăn cho Alexandre de Rhodes và ông phải dùng “bl” để tạo phụ âm “trờ”. Mãi về sao phụ âm “trờ” mới được các nhà văn, nhà giáo đưa vào sử dụng, thế mới biết là tiếng Việt hiện nay là công sức của biết cao người. Ngôn ngữ latin không có phụ âm “trờ” chỉ có vần t – r. Dân Tây khi học tiếng Việt thường hay mắc lỗi ví dụ từ “truyện” họ đọc là “tờ ruyện” và từ “bl” của Alexandre de Rhodes và “tr” hiện nay là cả một quá trình. Khác với chữ tượng hình Ai Cập, tượng ý Trung Quốc nhìn là đọc. Chữ tượng thanh có cách xử lý khác “ráp vần”. Học thuộc bảng chữ cái và hệ thống vần thì xem như chữ nào cũng đọc được. Tất nhiên, ngôn ngữ nào cũng có cũng ngoại lệ vì hệ thống vần không đáp ứng đủ hoặc do nhiều lý do tôn giáo, xã hội. Nhưng bảng chữ cái và hệ thống vần của tiếng Việt hiện nay tương đối hoàn chỉnh thậm chí hoàn chỉnh hơn cả tiếng Anh, tiếng Mỹ. Người Mỹ có thói quen sau khi hỏi tên họ sẽ hỏi cách viết như thế nào. Người Việt sau khi nghe người khác xưng tên thì viết đúng ngay tên đó trừ trường hợp bị bệnh về tai hay chưa học qua cấp 1. Tôi rất trân trọng sự nghiên cứu của Ông Bùi Hiền. Nhưng còn rất nhiều điểm gây ra sự lẫn lộn.
Phúc Nguyễn: Theo tôi, đề xuất của PGS Bùi Hiền cũng không có gì là mới, tuổi teen bây giờ cũng đang dùng nhưng có điều chưa hoàn thiện hệ thống. Giả sử nếu ta áp dụng ngôn ngữ theo đề xuất của PGS thì lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn dần dần về sau thì cũng sẽ thành thục thôi,cũng giống như hồi xưa chúng ta mới tập làm quen với chữ Quốc ngữ vậy. Tuy nhiên, theo tôi đề xuất này là không cần thiết và tôi cũng không đồng ý với ý kiến của ông Nam nói là "Nhưng nếu nghĩ chữ viết tiếng Việt muôn đời sẽ vẫn như cụ Alexandre de Rhodes để lại thì thấy rùng mình với sự ù lì của chúng ta". Tại sao phải rùng mình, cái gì tốt đẹp thì chúng ta cứ dùng và dùng mãi, nếu những cải tiến mới không tốt hơn. Theo tôi chữ quốc ngữ bây giờ là khá tốt rồi, tuy có một số nhược điểm nhỏ trong cách phát âm giữa các vùng miền nhưng đó không phải là vấn đề lớn và cũng thường gặp giữa các ngôn ngữ của các quốc gia trên thế giới. Giả sử nếu áp dụng hệ thống ngôn ngữ mới của PGS Bùi Hiền thì cũng chưa chắc hệ thống ngôn ngữ mới này hoàn thiện hơn chữ quốc ngữ, có khi còn xuất hiện thêm nhiều nhược điểm và nhiều vấn đề gây tranh luận hơn nữa. Dù sao chúng ta cũng có một hệ thống chữ viết hoàn thiện rồi, nếu cải tiến chỉ là cải tiến những vấn đề nhỏ để hoàn thiện hơn nữa như: Vấn đề về dấu câu liệu có bỏ được không, hay có thể ghép các từ sao cho tối giản nhất ví dụ “đạo đức lối sống” có thể gộp thành “đạo sống” chẳng hạn, làm như vậy cũng có thể tiết kiệm được trong cách viết và nói chứ không nhất thiết phải giản lược cách viết như của PGS Bùi Hiền...
Văn Quyết: Thay đổi ngôn ngữ là cả một hệ thống dài, ngay cả thay đổi 1 dấu, một chữ đã gây bao nhiêu vấn đề không thể kiểm soát. Ví dụ ngay cái tên Bìa đỏ với hộ khẩu hoặc giấy khai sinh, sai một nét đã phải sửa lên sửa xuống. Nếu đề tài không thành hiện thực thì ta từ bỏ, nghiên cứu nghiêm túc làm gì khi không khả thi . Thay vì cải cách nên loại bỏ hệ thống chữ cũ mà làm sáng tạo ra kiểu chữ độc đáo riêng. Rồi phát triển song song, đến một thời điểm nào đó ta loại bỏ dần không phải tốt hơn. Thiết nghĩ trên thế giới có bao nhiêu ngôn ngữ, không những khó học, khó đọc, khó viết nhưng họ vẫn phát triển ầm ầm có sao đâu. Ngôn ngữ đọc và viết là gì? Đơn giản nó chỉ là cách giao tiếp cho người khác hiểu. Nó không phiền hà trong cuộc sống cớ sao phải Cải Cách, cải tiến để làm khó mình. Nếu muốn hội nhập thì chúng ta học thêm tiếng nước ngoài, rèn luyện thêm trí tuệ . Bảo sao Việt Nam Thừa nhiều tiến sĩ giáo sư, công trình nghiên cứu khoa học thì thiếu thực tế, khi áp dụng chắc phải tốn 50 năm không biết có tiến bộ không nữa.
Lam: Thứ nhất, tôi không thể xem bảng chữ này một cách nghiêm túc được. Tôi là một 1999-er, là một phần của giới trẻ bây giờ nhưng cả khi nhắn tin với bạn bè tôi cũng cố hết sức để viết đúng chính tả và không dùng ký tự viết tắt. Mỗi khi thấy người ta dùng các chữ" teen" và không dấu tôi đều cảm thấy sự thiếu tôn trọng đối với người đọc. Vậy thử nghĩ nếu bảng chữ của giáo sư trở thành" quốc ngữ", được dùng trong mọi phương tiện truyền thông và sách giáo khoa thì mọi người sẽ nghĩ thế nào về ngôn ngữ Việt. Thứ hai, ngày người ta bắt đầu dùng bảng chữ này cũng là ngày tuyên bố cái chết của văn học Việt Nam. Chữ" xa" và" sa" tuy được phát âm giống nhau nhưng có nghĩa hoàn toàn khác," xa" chỉ trạng thái khoảng cách còn" sa" là cát. Văn học Việt Nam, nhất là thơ được tạo thành từ sự đa dạng ngôn ngữ, không những vậy mà còn âm nhạc, rap, các câu vè, tục ngữ, thành ngữ,... Thứ ba nữa là thấy hơi khó chịu vì giáo sư dựa trên cách phát âm của Hà Nội để phát triển ra bảng chữ mới, nếu người ở miền khác dùng bảng chữ này thì bắt buộc phải phát âm giống người Hà Nội trong khi giọng miền Bắc thậm chí không phát âm đúng bảng chữ cái từ lúc đầu rồi.
Tanya: Từ lúc nhỏ, đặt chân vào học cái chữ. Tôi, và cả những đứa trẻ khác, tất cả đều được dạy Tiếng Việt và phân tích từng chút một. Dù không hiểu thật sâu về Tiếng Việt (đó là công trình mà tôi luôn mơ ước được thực hiện), nhưng tôi vẫn biết việc sử dụng "Tr" hay "Ch", "S" hay "x",... , trong mỗi tình huống kjác nhau là một nghệ thuật thật sự rất tuyệt với. Ngày nay, việc phát âm dùng chữ linh tinh là do hời hợt và chưa hiểu tường tận của người dùng, và một phần là do âm điệu vùng miền. Nhưng dù miền nào, khi viết vẫn thống nhất để người Việt chúng ta thống nhất từ lúc dân tộc ta tự hào rằng đã có chữ viết riêng. Cả thế giới cố gắng bảo vệ sư trong sáng của ngôn ngữ riêng của mình, Tiếng Việt là khơi nguồn tốt đẹp cho cuộc sống ngày nay, bao lâu nay ta phát triển từng bước cũng từ Tiếng Việt, muốn hội nhập thì rèn thêm tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Nhật gì gì đó tùy thích, xin đừng làm ... Tiếng Việt, niềm tự hào to lớn của Người Việt.
PGS. TS Bùi Hiền nói gì?
Tôi đã nhen nhóm ý tưởng và đầu tư nghiên cứu công trình này trong gần 20 năm. Công trình nghiên cứu của tôi thực ra vẫn chưa hoàn thành và còn dang dở, mới báo cáo ở hội nghị khoa học của ngành ngôn ngữ.
Khi một số cơ quan truyền thông đọc được ở đó và nhận thấy đấy là vấn đề hay và đưa ra nhưng họ lại chưa tìm hiểu kỹ về cơ sở khoa học của nó, vì vậy khi đăng tải lên báo chí khiến vấn đề bị "ném đá".
Đứng về mặt mỹ học, thẩm mỹ, nhìn chữ cải tiến so với chữ cũ thì dễ gây phản ứng khó chịu. Bản thân tôi nếu nhìn chữ cải tiến cũng thấy ngớ ngẩn.
Vấn đề được nêu lên báo chí chỉ là phần cuối của kết quả tôi nghiên cứu. Vì vậy, phản ứng của họ phản đối cũng là tất yếu khi thói quen của nhiều người vẫn chứa đựng tính bảo thủ, phản xạ phủ nhận.
Tổng hợp từ Thanh Niên, Zing News, Trí Thức Trẻ