Star Donation Challenge

Gap Year - ngưng học 1 năm để làm những điều có ích, liệu có xứng đáng?

12 Tháng Tư 2017 4486 lượt đọc

Gap Year thường là khoảng thời gian bảo lưu 1 năm trong khi đang đi học được sinh viên sử dụng để nghỉ giải lao hoặc xác định lại mong muốn bản thân, thế nhưng dùng khoảng thời gian này như thế nào cho hợp lý lại không phải điều mà nhiều người biết.

Sau một năm học đại học, tôi quyết định tạm nghỉ giữa chừng để thực hiện các kế hoạch riêng của mình. Một phần vì không tiêu hóa nổi mớ kiến thức chuyên ngành, một phần vì muốn tìm kiếm định hướng phù hợp hơn cho bản thân, tôi quyết định bảo lưu một năm, hay còn gọi là “gap year”.

Gap year là khoảng thời gian bạn “nghỉ giữa hiệp” trong một quá trình làm việc hay học tập để thực hiện những kế hoạch khác biệt so với cuộc sống thường ngày. Trong mắt bạn bè tôi, gap year dường như rất thú vị, đầy ắp các trải nghiệm mới mẻ và những chuyến đi tự do. Những thực chất, gap year không tràn ngập màu hồng.

Rất nhiều sinh viên đã lên kế hoạch để gap year nghiêm túc và hiệu quả, nhưng sau một khoảng thời gian nghỉ học để “làm những điều mình thích”, họ vẫn hoang mang và bối rối, thậm chí còn lạc lối hơn vì không thu lại được kết quả nào đáng kể. Đằng sau một kế hoạch trơn tru không phải lúc nào cũng là một thực tế suôn sẻ. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Kế hoạch rõ ràng nhưng thiếu tính cam kết

Có câu nói: “Không chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại”. Nhưng tại sao, nhiều người có kế hoạch chi tiết, rõ ràng, có sự chuẩn bị thấu đáo chỉ chờ ngày thực hiện mà vẫn đứt gánh giữa chừng? Nguyên nhân đầu tiên, đó là do họ đã thiếu tính cam kết với chính bản kế hoạch của mình.

Một người bạn của tôi vì đam mê điện ảnh nên đã quyết định gap year một năm để tham gia khóa học làm phim. Trước đó, bạn lên một bản kế hoạch “không chê vào đâu được”, rõ ràng từng chi tiết: Tuần học bao nhiêu buổi, sẽ học chuyên sâu kỹ năng nào, bao giờ sẽ bắt đầu viết kịch bản và quay bộ phim đầu tay... Trong những tuần đầu tiên, bạn hào hứng với lớp học, bạn cảm thấy mọi kiến thức đều mới mẻ và thú vị, bạn tuân thủ thời gian biểu, khi rảnh rỗi bạn còn đi dạy để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng khi kiến thức trên lớp trở nên hóc búa, bạn bắt đầu chểnh mảng. Chưa quen với nhịp độ công việc căng thẳng, người bạn ấy không thể chịu nổi chuỗi ngày phải theo đoàn đi quay phim từ sáng sớm đến tối khuya, bất kể nắng mưa hay mệt mỏi. Bạn bắt đầu chán nản, thói quen lên lịch trình hằng tuần không còn nữa. Cuộc sống gap year bỗng rơi vào vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ vụn vặt: Quyết định của mình là đúng hay sai? Có vẻ như mình chỉ thích điện ảnh chứ không phù hợp để chen chân vào lĩnh vực này...

Thực chất, không ai có thể chắc chắn 100% quyết định của mình là đúng hay sai. Nhưng lo lắng quá nhiều sẽ chỉ khiến rối ren ùn ùn xuất hiện. Điều bạn cần là đảm bảo được tâm lý vững vàng, mạnh mẽ, bởi chính việc không kiên trì và cam kết nỗ lực thực hiện kế hoạch mới là nguyên nhân sâu xa khiến bạn nao núng, nghi ngờ về năng lực của bản thân.

Hãy nhớ rằng, một bản thiết kế đẹp không đồng nghĩa với việc ngôi nhà dựng nên cũng sẽ kiên cố và đẹp y chang. Nếu không tự ép được mình vào khuôn khổ, vượt qua các cám dỗ, bản kế hoạch chi tiết của bạn sẽ chỉ gây hiệu ứng ngược.

Kế hoạch trơn tru nhưng không đủ thú vị

Ta đặt ra rất nhiều kỳ vọng với gap year. Nhưng không ít người sau khi nghỉ học/nghỉ làm một năm, quay lại với cuộc sống bình thường họ lại thấy thất vọng vì bản thân không có những trải nghiệm thú vị hay khác biệt hơn so với bạn bè.

Ví dụ: Bạn dành một năm trời để dạy tiếng Anh tình nguyện cho trẻ em vùng cao. Thời gian biểu hằng ngày chỉ xoay quanh đến trường, dạy học, rồi quay về nhà trọ. Công việc tuy rất ý nghĩa nhưng chẳng mấy chốc mà trở nên nhàm chán. Bạn thầm nghĩ: “Đáng ra mình không nên chôn chân tại một chỗ, đáng ra mình nên gặp gỡ nhiều người hơn…”. Vậy nhưng dù nghĩ thế, bạn lại không quyết liệt giải quyết tình thế dở dang của mình.

Trong trường hợp này, kế hoạch trơn tru của bạn đã thiếu đi sự logic cần thiết. Khi lập kế hoạch, bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng xem nên chia quỹ thời gian của mình ra thành bao nhiêu phần, có thể thực hiện được những công việc cụ thể nào, học được những kĩ năng gì và sắp xếp theo trình tự ra sao.

Hãy luôn đặt ra các câu hỏi như: Mình có thể vừa đi học vừa đi làm hay không, có thể đi đến những vùng đất nào, nên đi gặp những ai... để giúp quãng thời gian gap year thêm đa sắc, không rơi vào “vũng lầy” nhàm chán. Khi bạn bè hỏi “Gap year thế nào?”, đừng để bản thân phải ngập ngừng trả lời “Thường thôi”.

Kế hoạch dù đã hoàn hảo hết cỡ vẫn phải có thêm kế hoạch B dự phòng

Nhiều người xây dựng kế hoạch để ăn chắc mục tiêu đặt ra mà lại quên mất không tính đến khả năng gặp phải rào cản trong quá trình thực hiện, lúng túng không biết phải làm gì rồi lại “tiến thoái lưỡng nan”. Gap year chứa nhiều rủi ro nên lúc nào cũng phải có phương án dự phòng. Nó cũng giống như khi di chuyển, nếu xe buýt bạn đợi đến chậm hơn thường ngày thì bạn phải có sẵn tiền để gọi xe ôm, phòng trường hợp muộn giờ làm việc gì quan trọng.

Khi gap year, bạn tạm thời rời xa chiếc ghế tựa vững chãi bấy lâu nay là trường đại học để trải nghiệm ở trường đời. Trong khoảng thời gian phải tự lập hoàn toàn đó, bạn không thể quá tin tưởng vào kế hoạch đã định mà phải biết linh hoạt xử lý tình huống, hạn chế tối đa các rắc rối. Những vấn đề ngoài ý muốn khi gap year có thể khiến bạn tốn một mớ tiền nên sẽ là một ý hay nếu bạn có thể tự xoay sở tiền bạc nhờ một công việc làm thêm nào đó, đặc biệt là việc liên quan đến chuyên môn bạn đang theo đuổi. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn bản photo của các giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, chứng minh thư, bằng lái xe…

Cuối cùng, đừng vì mê mẩn với hành trình mà không quay lại trường học

Sau khi đi được nhiều nơi, gặp nhiều người, làm nhiều việc và kiếm được ra tiền trong thời gian nghỉ học, không mấy ngạc nhiên khi không ít sinh viên gap year chẳng còn mặn mà với giảng đường và những môn học khô khan.

Một bạn sinh viên năm 2, Đại học Ngoại thương chia sẻ:

“Vào học FTU được một năm, mình chợt nhận ra bản thân không thể ‘yêu thương nổi’ chuyên ngành đang học. Mình đam mê viết, muốn tạm dừng việc học ở trường để đi đây đi đó trải nghiệm, đồng thời cũng để chuyên tâm vào dự án viết sách với một anh bạn ở Sài Gòn và bắt tay vào viết cuốn sách của riêng mình nữa. Mình xin bảo lưu, dành dụm được một số tiền kha khá để gap year. Sau đó mình vừa đi vừa làm việc, nhưng lương tháng cũng chỉ bữa đực bữa cái. Nhiều lúc chả đủ tiền xe, bản thân lại không thể gọi điện về nhà xin tiền gia đình nên phải vay mượn bạn bè. Đợt vừa rồi, mình còn bị mất điện thoại, suýt nữa mất luôn giấy tờ tùy thân.

Từ Sài Gòn book vé bay về Hà Nội, chuỗi ngày gap year cũng đến lúc khép lại, mình buồn chán đến mức phát ốm. Nó giống như một bệnh dịch khiến mình không thể bắt tay vào công việc. Đã quen với cảm giác tung tăng, bay nhảy, nay phải quay lại trường học làm mình không khỏi chơi vơi. Cuốn sách mình và anh bạn cộng tác vì bí ý tưởng nên chưa đi đến đâu, cuốn sách của bản thân cũng dang dở vì thiếu đi trải nghiệm. Không chỉ hoài nghi về năng lực của bản thân, mình còn vô cùng trống trải vì sau khi gap year, mình đã không còn nhiều bạn thân để tâm sự, tán gẫu. Thậm chí, mình còn phải giả vờ với chúng nó mình đã có một khoảng thời gian tuyệt đẹp ra sao, giả vờ hồ hởi kể lể về sự thú vị của chuyến đi của mình...

Có lẽ đối với mình, gap year không phải là khoảng thời gian để mình đột phá, vượt trội so với người khác mà là khoảng thời gian để mình biết bản thân phải thay đổi ra sao khi trở về. Không phải chỉ ra khơi một lần là thuyền đã đầy ắp cá tôm. Chúng ta phải nhiều lần vất vả mới mong có một lần trở về thắng lợi”.

Sẽ luôn có khoảng hẫng giữa các giai đoạn chuyển giao, bạn không nên vì cảm xúc nhất thời của mình mà bỏ quên mục tiêu lâu dài. Khi gap year đi đến những ngày cuối cùng, bạn cần nghiêm túc đánh giá hiệu quả của kế hoạch đã đặt ra ban đầu và xác định hướng đi đúng đắn nhất cho bản thân.

Gap year đã khiến bạn chậm lại một năm so với bạn bè, nếu trải nghiệm của bạn chưa đủ khác biệt để tạo ra một thay đổi lớn thì hãy bình tĩnh điều chỉnh lại những dự định. Hãy sử dụng những gì thu được sau hành trình gap year vào cuộc sống hàng ngày của mình, vì chỉ riêng việc đó cũng đã tạo ra rất nhiều biến chuyển tích cực.

Dù sao đi nữa, gap year luôn là một lựa chọn đáng thử cho bất cứ những ai mong muốn được thực hiện kế hoạch, giấc mơ riêng của mình. Chỉ cần nghiêm túc với bản thân, “think out of the box” và kiên nhẫn đến cùng thì chắc chắn bạn sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng!

Nguồn: thành viên Trang Ps trên Spiderum.com
Theo CafeBiz

ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TiengAnhK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 ASEAN Scholarship 2024

Được khen ngợi nhiều

2.100.000 VND 1.145.000 VND

sổ học từ vựng thông minh azVocab