Matific Maths Olympiad 2024 Banner

RÈN "CHÍ" VÀ "KHÍ" ĐỂ HÌNH THÀNH "BẢN LĨNH" CHO LŨ TRẺ TỪ SỚM....

09 Tháng Sáu 2017 4431 lượt đọc

Bài viết không chê, không khen và không quy chụp ai... tôi chỉ nghĩ sao, viết vậy...

Tôi luôn nghĩ "Rèn văn là rèn người". Khi một đứa trẻ manh nha ý thức đọc và ghi chép lại cuộc sống và học tập bằng ngòi bút, nghĩa là khi các con ngồi viết, dù là viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, thì đó là dấu hiệu đáng mừng nhất thấy được sự hình thành đức tính kiên trì và đam mê nghiên cứu về sau này. Tôi đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ và nghiên cứu cách dạy viết cho bọn trẻ.

  • Học bằng phương pháp cứng: nghĩa là bọn trẻ phải học, ép học bằng được, một tuần ép trẻ đọc 50 trang và học thuộc 100 từ mới và cấu trúc và viết ra bài văn 1000 từ.
  • Học bằng phương pháp mềm: nghĩa là khuyến khích động viên trẻ đọc sách, ghi chép và viết ra những suy nghĩ của mình về những điều trẻ đọc được, nhìn thấy và trải nghiệm khi ở nhà, lúc ở trường và ngoài đường phố.
  • Học bằng phương pháp mềm nắn rắn buông: nghĩa là vừa ép học vừa dỗ dành và tạo cảm hứng cho trẻ học.

Từ quan sát của tôi sau nhiều năm dạy trẻ Đọc-Viết, tôi thấy phương pháp nào cũng có cái ưu việt của nó và cái dở của nó.

  • Đối với phương pháp cứng, thì bọn trẻ vừa học vừa sợ hình phạt của cha mẹ và thầy cô. Phương pháp này thích hợp với những học sinh ngỗ ngược, ương bướng, siêu lười và siêu quậy. Kỷ luật thép bằng củ cà rốt và cây gậy (carrot and stick) là một cách mà nhiều cha mẹ đang làm khi mọi cách khác đều thất bại.
  • Phương pháp mềm để áp dụng cho những em bé trầm, hiền, có phần nhút nhát, sống khép mình với bạn bè và thấy cô.
  • Phương pháp kết hợp mềm nắn rắn buông: nghĩa là ép trẻ học đến một mức độ rồi lại bao dung và ngọt ngào để trẻ thở. Cách này có thể vừa rèn "chí" và rèn "khí" cho trẻ. Bọn trẻ cần rèn "chí", nghĩa là rèn tính kiên nhẫn, cần cù, chịu đựng. Tôi thường dạy bọn trẻ một bài đọc dài cả 1500 từ với nội dung bao quát từ khoa học đến văn học. Nhiều em nản và muốn bỏ học. Cha mẹ hỏi có nên cho con nghỉ không thì tôi nói nếu nản chí và bỏ một lần thì từ lần sau trẻ sẽ nản chí và bỏ tiếp. Cứ như thế thì sẽ không làm nên gì cả. Nhưng nói sao nói thì cha mẹ vẫn xót con cái và chọn cách an nhàn cho con (tôi nói vậy không có ý động chạm) nhưng quả thực có nhiều trường hợp như thế. Trẻ cần rèn "khí" nghĩa là rèn bản lĩnh vượt khó. Đi học Thầy không chỉ là học con chữ cụ thể nào, nghĩa chính xác nào, mà là học cả "khí chất" "bản lĩnh" dám đương đầu với khó khăn, vượt qua sự lười nhác và chán nản của bản thân để làm chủ được môn học. Đó mới là cái đáng học nhất và đáng rèn nhất. Chữ nghĩa bây giờ rẻ rúm, bán đầy đường, ngõ, chợ, phố. Do thế, nên đi học mà học được cái "chí" và "khí" mới đáng quý và sự ảnh hưởng của người làm Thầy có thể định hướng phát triển tính cách của trẻ.

Nhiều cha mẹ vẫn con ôm ấp tư duy học "thực dụng": nghĩa là đến lớp thì con phải chép được bao nhiều trang giấy, được phát bao nhiều bài tập, và bài tập đó có phải đúng cái con cần để thi chuyên hay không? Đó là cách học gạo, học tủ mà không đem lại ích lợi gì về lâu dài. Cái quan trọng nhất của người làm Thầy là phải dạy cho trẻ cách đi tìm kiến thức. Định hướng cho trẻ cách mài dũa tư duy, năng lực phê phán, năng lực chịu đựng. Tất nhiên lý tưởng này chỉ áp dụng với một số trẻ có niềm đam mê thực sự, bộc phát từ sớm. Còn đa số trẻ lười thì phải ốp sát vậy. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn không tán thành kiều học nhồi sọ, học luyện gà nòi, dù chính tôi cũng dạy lớp gà nòi, nhưng cách dạy của tôi không phải nhồi càng nhiều càng ít, mà là nhồi tư duy vào đầu bọn trẻ. Tôi rất thông cảm với một vài phụ huynh cho con đến gặp tôi tha thiết xin học với mong muốn con thi chuyên Anh, nhưng sau một buổi đầu tiên tôi dạy viết tổng quát để trong khóa học bọn trẻ phải viết thì lập tức xin cho con nghỉ ngay vì phụ huynh này có suy nghĩ rằng là muốn thi chuyên thì không cần học viết vội, mà phải luyện gà nòi. Tôi cũng không biết khuyên làm sao nữa.

Cha mẹ thực dụng, nên hướng con theo lối học thực dụng. Học là phải có thành tích ngay lập tức. Học là một con đường dài làm sao dễ có thành tựu ngay. Nếu đi học chỉ là đi luyện thi thì vậy việc học có còn ý nghĩa hay không? Các cha mẹ muốn con hình thành kỹ năng toàn diện hay hình thành kỹ năng đi thi đây? Nếu mục đích của cha mẹ là con đi học để đạt thành tích cao trong thi cử thôi, vậy ý nghĩa của giáo dục đã bị "bào mòn" rất nhiều rồi. Bản chất của giáo dục không phải là để đi thi cử, mà là để rèn một con người tốt thành một con người tốt hơn, rèn một con người chưa có kỹ năng sống thành một con người được trang bị đầy đủ hơn những kỹ năng để bước tiếp trên con đường học tập và làm việc sau này, trong đó kỹ năng đi thi chỉ là một loại kỹ năng mà các con được rèn luyện. Ai cũng biết học gì thì học nhưng nếu không thi được, thì cả sự học ấy là công cốc, nhưng nếu biến cả sự học thành việc rèn luyện kỹ năng thi cử thì liệu có uổng không?

Tôi lấy ví dụ về việc học tiếng Anh. Nhiều học sinh chỉ đi luyện IELTS mà mãi mới chỉ được 6.0-6.5. Đó là vì sao? là vì các em không đi học tiếng Anh, không xây cho mình một nền tiếng Anh vững chắc, có khả năng từ vựng, nghe nói, viết vững vàng, mà chưa gì đã vội đi luyện thi. Đi học luyện thi thì chỉ chăm chú vào các "mánh thi" mà tiếng Anh gọi là "tips", mà không chú ý gì tới bản chất của ngôn ngữ học. Học ngôn ngữ mà chỉ học để đi thi điểm cao thì là vứt hết. Vì thế này, dù thi có được 8.0 IELTS, nhưng về bản chất khả năng ngôn ngữ thực sự của anh còn khá rỗng vì bấy lâu anh chỉ đi luyện để thi mà không xây cho mình một nền ngữ vựng rộng lớn để đọc thông và viết thạo. Có nhiều em thi điểm rất cao nhưng đến khi học tôi bàn về các vấn đề xã hội, cần dùng đến từ vựng thì các em không biết gì cả. Tôi cho các em nghe một đoạn CNN hay BBC về kinh tế, chính trị, biện luận xã hội là ngơ ngác trên mây hết. Vậy là cách học chỉ để đi thi này đã sai chăng? Tất cả các thành tích, các điểm thi ấn tượng chỉ mới là xuất phát điểm, chưa phải cái đích cuối cùng. Cái đích cuối cùng là "học để hình thành nên một tính cách và từ đó hình thành nên một nhân cách riêng."

Còn nữa, có phải chăng ngày nay bọn trẻ đi học chưa nản thì cha mẹ đã nản?

Bọn trẻ bây giờ khác xa với ngày xưa. Chúng quá đầy đủ, dù cha mẹ có nghèo thì chúng vẫn đủ đầy. Cho nên rèn cho chúng có "Bản Lĩnh" dám đối đầu với thử thách, chịu đựng khó khăn, và vượt qua những nỗi sợ vô căn cũng là một phần học quan trọng không kém học "chữ" và học "nghĩa". Nhưng bọn trẻ thì hay nản chí. Những lúc ấy sự động viên của cha mẹ là rất quan trọng để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn của mỗi môn học. Nhưng thực tế tôi lại thấy là "con chưa nản thì cha mẹ đã nản rồi". Cha mẹ nản vì thấy học đến vài tuần rồi mà con chưa viết được chữ nào. Học đến vài tháng rồi mà con vẫn cứ quên quên nhớ nhớ. Với những đứa trẻ như vậy thì chúng ta phải có phương pháp vừa rèn vừa dạy. Chứ nếu cha mẹ nản thì con sẽ nản theo và lần sau rất khó rèn dạy. Hay cha mẹ nản vì tâm lý "thực dụng" mà bấy lâu nay vẫn còn vây hãm cha mẹ?

Sự học là sự nghiệp của trẻ trong 20 năm đầu của cuộc đời. Trên con đường 12 năm đầu, sự định hướng mang tính can thiệp của cha mẹ, thầy cô là vô cùng quan trọng, nhưng từng bước đi ấy phải hết sức tỉ mỉ, ngoài việc nhìn thấy con học được cái gì thì cũng phải nhìn thấy con hình thành tính cách như thế nào. Và điều quan trọng nhất là con có học được cái "Bản Lĩnh" để làm người hay không? Nghĩa là có "chí" và "khí" hay không!

Đôi điều suy ngẫm về dạy trẻ trong cái oi ả của Hà Nội ít cây xanh!

Nguồn: thầy Giang Nguyễn (FB Giang Nguyen)


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab