Về chuyện "Cậu bé Việt chinh phục 8.5 IELTS: Không đến trường học từ năm lớp 6, rèn tiếng Anh bằng cách xem TV"

06 Tháng Năm 2017 4439 lượt đọc

Gần đây báo chí ầm ĩ đưa tin về cậu bé Thái Anh sinh năm 2003 đạt IELTS 8.5 sau 03 năm nghỉ học và tự học tại nhà. Nhiều người trầm trồ coi như đây như một tấm gương về việc dũng cảm bỏ trường lớp truyền thống và "homeschooling" - giáo dục tại nhà. Có những quan điểm nào khác về việc này? Xin mời các phụ huynh đọc các ý kiến bình luận và cùng đọc kĩ bài báo gốc để suy ngẫm về sự được và mất của trường hợp này.

Bình luận của một số nhà giáo dục và những người quan tâm đến chủ đề này

Tôi không hiểu cái mương này có ý gì khi đăng một bài có nội dung phản giáo dục như thế này.

Viêc để con mình có kĩ năng kém thế này chứng minh sự thất bại toàn tập của giáo dục gia đình, nhà trường, và xã hội.

Thay vì cho con có cơ hội tiếp xúc và học tiếng Việt, gia đình lại để con thoải mái vùi đầu vào một thế giới khép kín, để đến nỗi nó không có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Lớn lên giữa xã hội người Việt mà không biết tiếng Việt dẫn đến khả năng giao tiếp và tương tác với xã hội gần như bằng con số 0.
Không chỉ có vậy, không biết tiếng Việt dẫn đến nhận thức về giới xã hội gần bằng 0.
Không biết tiếng Việt cũng đồng nghĩa với cảm nhận bản sắc (sense of identity) bằng con số 0 nốt.
Bố mẹ định cho con trở thành người như thế nào khi mà hành trang vào đời của con chỉ có 3 con số 0 tròn trĩnh, không có một giá trị gốc bền vững nào như vậy?

Và rồi sau đó thì cái lều báo này đăng một bài ca ngợi khả năng tiếng Anh và kiến thức khoa học. Đưa tin mà dùng từ ngữ cảm tính lồng quan điểm cá nhân phản giáo dục nhiều như thế này thì không gọi là đưa tin đâu ạ, mà giống như nhập nhằng giữa sự thật và quan điểm để đánh tráo khái niệm nhiều hơn.

Việc không quan tâm dạy con tiếng Việt, cho con tiếp xúc với xã hội, thì được giảm nhẹ, chỉ gọi là "tai nạn".

Việc đạt được cái chứng chỉ ngôn ngữ như IELTS thì được ca ngợi bằng từ "chinh phục". Người ta chỉ dùng từ "chinh phục" khi cái đạt được thực sự là một thành tựu, hay chí ít cũng tích cực (ờ Tiếng Việt vốn lắt léo. Nhưng làm báo mà không để ý ngôn từ thì ...). Thành tựu chỉ là thành tựu, hay tích cực, khi cái đạt được lớn hơn cái giá phải trả trên một thang đo nhất định. Đánh đổi kĩ năng xã hội và nhận thức xã hội cơ bản lấy trình độ tiếng Anh hay kiến thức khoa học không bao giờ là một cuộc trao đổi xứng đáng (tất nhiên nếu bản thân người đánh đổi thấy THÍCH THẾ thì tôi không ý kiến). Nhưng tôi không thể coi đó là thành tựu. Đừng coi việc mình có được kĩ năng giao tiếp và nhận thức cơ bản về xã hội là việc đương nhiên. Nó diễn ra trong vô thức, không có nghĩa là đương nhiên nó phải diễn ra ạ.

Rồi thì dành quá nhiều "đất" cho việc mô tả homeschooling của nhà này cùng các thành tích của em ấy, trong khi chỉ được đôi ba dòng cho những "cái giá phải trả".

Tôi không biết dùng từ ngữ nào để mô tả sự *beep* của các anh chị nhà báo và biên tập mất rồi.

Nguồn: Fb Long D. Hoang

 

Nhìn ở quan điểm của motivation: xét theo lý thuyết về goal (goal theory), thì bạn này thực sự được tác động rất tốt để có được cái gọi là achievement goal, trong đó có niềm tin mãnh liệt vào sự nỗ lực cá nhân (effort) để hoàn thiện nhiệm vụ được giao (làm sao để thực hiện công việc của mình tốt nhất có thể), hoàn toàn tách biệt ra khỏi quan niệm xã hội cũng như không bị ảnh hưởng bởi những nỗi sợ hãi bị "sai", bị đánh giá "thấp"...

Nói cách khác, cha mẹ bạn ấy thực sự THÀNH CÔNG trong việc nuôi dưỡng intrinsic motivation cho bạn Thái Anh này nói riêng và anh trai bạn ấy nói chung. Và mình tin rằng với thái độ học tập này, bạn ấy chắc chắn sẽ có khả năng tiến rất xa với chuyên ngành bạn ấy thực sự theo đuổi.

TUY NHIÊN, rõ ràng để có được điều ấy, bạn ấy và cha mẹ phải hy sinh tương đối lớn những thứ khác - vốn được bàn khá hay ở bài viết trên của Long D.Hoang

CÂU HỎI đặt ra là: Giáo dục chính khoá cần phải làm gì để giảm thiểu tình trạng cha mẹ phải rút con ra khỏi hệ thống mới nuôi dưỡng được intrinsic motivation cho con???

Và câu hỏi tiếp là: cha mẹ có nhất thiết phải "rút" con ra khỏi hệ thống mới duy trì được intrinsic motivation hay không???

Nguồn: FB Nguyễn Thanh Thuý

 

Mấy hôm nay cụm từ homeschooling trở nên nóng bỏng trên các diễn đàn, thu hút nhiều nhà giáo dục và phụ huynh tham gia thảo luận. Sau câu chuyện hai cậu bé trong TP HCM được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để học ở nhà. Những nỗi niềm thường trực lại bung ra, bên ủng hộ bên phản đối.

Những cuộc tranh luận kiểu vậy sẽ chẳng bao giờ có hồi kết, dù Bộ giáo dục có cải cách thêm 100 lần nữa. Tôi thấy có hai vấn đề cốt lõi chúng ta cần xác định/giải quyết được, thì hãy nói đến phương pháp giáo dục nào phù hợp.

1. Cách nhìn nhận kiến thức.

Hiểu biết của một con người dù kiệt xuất đến đâu cũng chỉ là phần nhỏ trong biển kiến thức nhân loại, và tôi luôn cho rằng kiến thức nào cũng quan trọng và đáng được coi trọng như nhau. Một tiến sĩ xã hội học với người thợ làm bánh giỏi, mỗi người có giá trị riêng. Tiến sĩ XHH sẽ được phát triển tốt hơn khi học ở trường, vì có đối tác và môi trường để thực hành/nghiên cứu. Còn con một gia đình nghệ nhân làm bánh, muốn kế thừa di sản của gia đình, thì ở nhà học với bố mẹ tốt hơn.

Hẳn những người thích chương trình thám hiểm trên tivi đều biết ngôi sao Bear Grylls. Anh ta có cả một chương trình riêng là Man vs. Wild chuyên về những kỹ năng sống sót trong môi trường tự nhiên. Những kiến thức anh ta học hỏi tổng hợp được gần như độc nhất, không trường học nào dạy. Nếu ở VN, rất có thể Bear Grylls sẽ bị bĩu môi: một thằng rảnh việc không lo học hành lấy bằng cấp, toàn làm những trò vô bổ. Nhưng chính những điều “vô bổ” ấy làm nên một chương trình tivi riêng rất thành công, và tất nhiên, tiền bạc cùng danh tiếng.

Để thấy rằng, cách nhìn nhận kiến thức của ta có vấn đề. Từ vấn đề ấy dẫn đến hệ luỵ rằng ai ai cũng phải học đại học bằng mọi giá, vào được trường top này top nọ bằng mọi giá, lấy được bằng nọ bằng kia bằng mọi giá. Và khi làm được từng đấy việc thì cho mình giỏi hơn người và coi thấp hoặc phủ nhận những kiến thức khác. Cán bộ chính sách đặt mình cao hơn kiến thức người bản địa, dẫn đến chính sách sai..vv..

Một bác sĩ ở một bệnh viện lớn có thể giải thích rành mạch hoạt động của cơ thể, tên các loại thuốc/hoá chất, điều gì đang diễn ra trong cơ thể bạn. Nhưng nếu bạn đang đi ở một nơi hẻo lánh, thì việc bạn nên làm là nghe lời một người dân bản xứ nào đó. Anh ta chẳng biết gọi tên loại hoá chất nào, nhưng lại biết loại lá cây nào có thể ăn được, loại nào khiến bạn chết ngóm, loại nấm nào ăn được, loại nào không. Rắn độc trông thế nào, hay xuất hiện trong mùa nào, sẽ tấn công bạn trong trường hợp nào..vv.. để bạn tự bảo vệ mình.

Rõ ràng kiến thức của anh ta quý giá không kém kiến thức của một bác sĩ, đều giúp bạn sống sót.

Khi nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng ai cũng có giá trị của mình. Một người cha trên bản hẻo lánh có thể tự tin truyền cho con kiến thức riêng của anh ta. Và do đó, mở rộng khái niệm giáo dục, có thể áp dụng được cho mọi đối tượng, chứ không chỉ những “tinh hoa tinh tú”, có điều kiện.

2. Chân ai vừa giầy người ấy

Khi kiên quyết cho rằng mô hình giáo dục nào mới là chuẩn, hệ thống này “tệ hại”, thì bạn quên một điều: xác định bạn/con bạn là ai? Cần gì và có thể làm được gì? Tôi tin ngay hệ thống giáo dục ở các nước tiên tiến cũng có vấn đề riêng, và nếu bạn không phù hợp thì học Harvard cũng thảm bại mà thôi. Thực tế là nhiều trường hợp bố mẹ gửi con ra nước ngoài học, đứa trẻ không hoà nhập được dẫn đến trầm cảm.

Cái áo đẹp là áo vừa vặn với bạn. Khả năng, mong muốn, điều kiện quyết định bạn nên tiếp cận kiến thức bằng cách nào, đặc biệt với thời đại Internet hiện nay. Trong một tập phim, anh chàng Tarzan đọc để tìm hiểu đặc điểm loài rắn, rồi chiến thắng con rắn khổng lồ để bảo vệ bạn gái. Về lý thuyết, Tarzan làm được, sao bạn lại không?

Nếu bố mẹ bạn giỏi chuyên môn nào đó, và chuyên môn đó phù hợp với mong muốn của bạn thì bạn ở nhà học bố mẹ. Còn bố mẹ không giỏi, hoặc sở học của họ không phải lĩnh vực bạn thích, thì học thầy cô, bạn bè, và… gs Google.

Kể cả khi Bộ giáo dục chấp nhận hình thức homeschooling, bao nhiêu người có thể làm được? Cá nhân tôi ủng hộ Bộ mở rộng hình thức này, cho người dân thêm lựa chọn, nhưng tôi sẽ không áp dụng.

Đơn giản: tôi không làm được, và tôi vẫn thấy học ở trường phù hợp, vừa vặn với con tôi hơn. Con tôi cần có bạn để xây dựng đời sống tinh thần và kết nối quan hệ; cần giáo viên để biết cách hệ thống kiến thức.

Nhiều người không công bằng và cực đoan sổ toẹt đi những giá trị trường học, vẽ chân dung giáo viên như ngáo ộp, lấy những trường hợp tiêu cực để kết luận hệ thống. Nếu bạn sợ con vất vả, thì đừng ép thành tích điểm số, nếu giáo viên có hành vi xâm phạm quyền của con bạn, bạn thẳng thắn đấu tranh…

Những vấn đề trong trường học, bị cô giáo phạt hay va chạm với bạn bè, sẽ dạy cho trẻ kiểm soát hành vi, làm việc nhóm và tôn trọng người khác, kỹ năng xử lý vấn đề… những điều mà nó sẽ thực hành cả đời.

Trong hầu hết chúng ta, chẳng mấy ai nhớ đã học những gì trong trường và có những kiến thức cả đời chả áp dụng; nhưng trong đầu trong tim lại đầy ắp kỷ niệm về bạn bè trường lớp, đấy ko phải điều xứng đáng để bạn ghi nhận sao?

Và đừng quên, nhân vật chính trong câu chuyện homeschooling có hai anh em nhé, họ là bạn và đối tác học tập của nhau. Còn nhà bạn con một, cả ngày một bố một con, thì vấn đề sẽ khác đấy. Giỏi mấy cố mấy, bố bạn cũng ko biến thành bạn đồng trang lứa với bạn thực sự đâu.

Tóm lại, bạn vẫn phải tự trả lời: chân bạn cỡ nào, phù hợp loại giày nào? trước khi quyết định mua sắm.

Nguồn: FB Hoang Huong

Bài báo gốc:

Cậu bé Việt chinh phục 8.5 IELTS: Không đến trường học từ năm lớp 6, rèn tiếng Anh bằng cách xem TV

LÊ ÁI - ẢNH: HOÀNG VIỆT, THEO TRÍ THỨC TRẺ 00:03 03/05/2017
 
Với khả năng nói tiếng Anh lưu loát và số điểm IELTS cao chót vót, Thái Anh (sinh năm 2003) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Càng bất ngờ hơn khi biết cậu bé đã nghỉ học cách đây 3 năm. Hầu hết thời gian trong ngày, Thái Anh chủ động thu nạp kiến thức từ tự nhiên đến xã hội qua các khóa học trực tuyến trên mạng.
 

Thái Anh là một cậu bé khá hiếu động. Cậu có dáng người gầy, dong dỏng cao. Cặp kính mắt màu đỏ trên sống mũi thẳng tắp làm toát lên vẻ thông minh của chàng trai mới lớn. Trong mắt người thân, cậu là người sống hướng ngoại, khá hiểu biết nhưng lại hay bộc lộ tính cách trẻ con.

Tháng 9/2016, Đặng Thái Anh (sinh năm 2003, tại TP.HCM) xuất sắc đạt 8.5/9.0 điểm trong kỳ thi IELTS. Thái Anh được ba gọi là "kỷ lục gia" tiếng Anh vì chưa ai trong gia đình chinh phục được số điểm như cậu. Khả năng tiếng Anh ấn tượng của Thái Anh thật ra cũng là một câu chuyện đặc biệt - một "tai nạn" (theo cách gọi vui của ba cậu).

Một điều đặc biệt khi kể về Thái Anh mà chúng tôi không thể không nhắc đến, đó là việc cậu bé đã bỏ ngang việc học tại trường THPT từ năm 2014. Hiện tại, Thái Anh chỉ tham gia các khóa học trực tuyến của Academy tại nhà, vào hầu hết thời gian trong ngày.

Không giao tiếp với ai khác ngoài anh trai, ba, mẹ... Thái Anh sắp lên tuổi 14 vẫn không nói rành tiếng Việt. Ngôn ngữ chính trong giao tiếp hằng ngày của cậu bé là tiếng Anh. Cậu bé nói thứ ngôn ngữ này nhanh như gió. Khi đứng trước một câu hỏi về tiếng Việt, Thái Anh lúng túng vì không hiểu đối phương nói gì. Cậu bé quay sang cầu cứu anh trai, người sẽ luôn tìm được một cụm từ tiếng Anh diễn đạt chính xác ý tứ của câu hỏi tiếng Việt.

Về chuyện

Thái Anh rất mê đọc sách, cậu bị hút vào các kiến thức về thiên văn.

Nói không quá 5 câu tiếng Việt mỗi ngày

Ba và mẹ Thái Anh đều dạy tại các trường đại học. Khi 3 tuổi, cậu bé đã được tiếp xúc với tiếng Anh. Thiếu niên sinh năm 2003 dùng tiếng Anh để giao tiếp với những thành viên khác trong gia đình. Thái Anh rất thích nói chuyện và kể cho mọi người nghe những điều mình học được từ sách vở, TV, chương trình giảng dạy qua máy tính của trẻ em Mỹ.

Thuở nhỏ, Thái Anh dành hầu hết thời gian để xem các kênh truyền hình kiến thức như Discovery Channel, National Geographic, Davinci Learning, chơi các trò chơi giáo dục tương tác qua máy tính CBT (Computer Based Training), lớn lên thì xem các kênh học thuật trên YouTube như Khan Academy, Crash Course....

Thầy Đặng Quốc Anh (ba của Thái Anh) lại không phải là người dạy Anh ngữ cho con. Trong mắt thầy, chuyện con trai mình nói tiếng Anh nhiều hơn cả tiếng Việt là một "tai nạn".

Ba Thái Anh kể: "Khi Thái Anh 3 tuổi, anh trai Nhật Anh đã 8 tuổi. Nhật Anh rất thích học Anh ngữ nhưng gia đình không đủ điều kiện nên rủ em cùng nói tiếng Anh với nhau. Được nghe anh trai nói tiếng Anh hàng ngày, Thái Anh cứ nghĩ rằng đó là thứ ngôn ngữ duy nhất mà nó có thể dùng để giao tiếp với cuộc sống. Khi Thái Anh lên 5 tuổi, gia đình phát hiện Thái Anh giao tiếp với người lớn không quá 5 câu tiếng Việt mỗi ngày nên hối hả cho con học tiếng Việt cấp tốc".

Về chuyện

Thầy Quốc Anh từng đau đầu khi thấy con không giỏi tiếng Việt.

Năm lớp 4, Thái Anh bắt đầu thử sức với các cuộc thi tiếng Anh. Tháng 5/2013, cậu có bằng B1 khi tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ PET. Từ tháng 4 đến tháng 12/2014, Thái Anh liên tục thi và lấy bằng FCE (B2), CAE (C1), Starters, Movers (A1), Flyers (A2) trong hàng loạt các kỳ thi thuộc hệ thống chứng chỉ của đại học Cambridge.

Năm 2015 và 2016 là giai đoạn Thái Anh dồn sức cho kỳ thi IELTS, một trong những thử thách mà mọi học sinh mong muốn du học đều cần. Lần dự thi IELTS đầu tiên của Thái Anh diễn ra khi cậu vừa tròn 11 tuổi 6 tháng.

Về chuyện

Thầy Quốc Anh gọi mình là huấn luyện viên, con trai là "kỷ lục gia" tiếng Anh.

Thái Anh giành 8.0/9.0 điểm. Cậu lập kỷ lục người thi nhỏ tuổi nhất được 8.0 với hai điểm tuyệt đối 9.0 ở phần Listening và Reading. Sau đó 3 tháng, Thái Anh thi IELTS lần thứ 2 với mong muốn nâng mức điểm, nhưng không thành công.

Tháng 9/2016, Thái Anh cán mốc 8.5/9.0 điểm trong lần thi IELTS thứ 3, trong đó kỹ năng Listening (nghe): 9.0, Reading (đọc): 9.0, Writing (Viết): 7.0 và Speaking (nói): 8.5.

Thái Anh chia sẻ: "Trong kỳ thi trước, phần viết của con chỉ có 6 điểm, còn phần nói vừa đạt 8 điểm. Con nghĩ tại sao mình không tiếp tục thi để nâng mức điểm ấy lên. Con biết nhược điểm của mình là viết nên con luyện tập phần này khá nhiều. Thật sự, đó là một việc vô cùng khó với con. Con bị áp lực bởi thời gian và bị làm khó bởi số chữ mà đề bài quy định. Con thấy mình luôn bị lúng túng bởi một điều gì đó trong bài viết và chưa thật sự sử dụng hết những kỹ năng mình có trong phần thi viết. Trong lần thi IELTS thứ ba, con cũng chưa hài lòng lắm với bài viết của mình nhưng may sao nó cũng được 7 điểm. Cuối cùng, con được 8.5 điểm IELTS. Con vui sướng quá trời".

Về chuyện

Thái Anh có một người thầy rất tâm huyết và luôn sát cánh bên cậu, đó là anh trai Nhật Anh.

Cả 3 lần thi, Thái Anh đều đạt mức tuyệt đối 9.0 điểm ở kỹ năng nghe. Cậu có bí quyết riêng. Khi nghe, cậu thường đoán trước người ta sẽ nói gì. Nếu cậu đoán đúng, nó sẽ giúp cậu tiết kiệm được thời gian làm bài. Thời gian thừa ra sẽ dành để dò bài, chắc chắn không mất điểm ở câu nào.

Mỗi khi có được bất cứ thành tích nào trong học tập cũng như làm việc nhà tốt, Thái Anh đều được gia đình thưởng cho giờ chơi dùng để xem Youtube, đọc truyện và chơi game máy tính. Hiện tại, Thái Anh đã dùng gần hết 200 giờ chơi được thưởng cho thành tích của lần thi Anh ngữ gần nhất em đạt được.

Khả năng nghe của Thái Anh tốt đến mức cậu luôn đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi IELTS. Khi còn nhỏ, cậu rất mê kênh truyền hình mẫu giáo Playhouse Disney. Vừa xem, cậu vừa lẩm bẩm nói theo các chương trình mình yêu thích. Cậu coi ròng rã suốt 3 năm cho đến khi học lớp 3 mới dừng. Ba Thái Anh đùa rằng con trai ông học đến 3 năm mẫu giáo là thế. Khi lớn hơn, Thái Anh chuyển sang học nghe trên kênh Disney Channel được 1 năm.

Nghỉ học ở trường vì quá áp lực

Nhật Anh, anh trai Thái Anh, nghỉ học năm lớp 10. Thấy anh trai không phải đến trường và đối diện với nhiều áp lực trường lớp, Thái Anh cũng đặt vấn đề với cha mẹ: "Sao anh hai được nghỉ học ở trường mà con không được?".

Ban đầu, cô Lê Thị Thanh (mẹ Nhật Anh và Thái Anh) không đồng ý. Qua thời gian trải nghiệm, cô cũng thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường. Có một lần Nhật Anh không thuộc bài. Cậu cùng 20 học sinh khác bị phạt đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi cầm cuốn tập học bài. Cô Thanh phản đối hình phạt ấy, cho rằng đó là cách giáo dục không hiệu quả. Học sinh sẽ chẳng thể học được gì nếu lấy thời gian nghỉ ngơi, giải trí của các em để bắt chúng học một cách nhồi nhét như vậy.

Về phần Thái Anh, cậu bé mê xem phim khoa học và thiên văn từ nhỏ. Cậu từng nói với bạn bè mình rằng mặt trời là một ngôi sao. Những đứa trẻ đồng trang lứa với Thái Anh ngơ ngác, chúng không hiểu gì. Chúng khẳng định mặt trời chỉ là mặt trời thôi và nói rằng cậu bé "không bình thường", "có vấn đề về thần kinh", "bị khùng"... Thái Anh buồn mất mấy ngày vì chẳng nhiều người hiểu những điều mình đọc và nói.

Về chuyện

Khi chúng tôi đến nhà, Thái Anh vẫn còn ngủ vì tối hôm trước cậu thức khuya đọc sách

Dù gặp chuyện không vừa ý nhưng những năm cấp 1 của Thái Anh cũng trôi qua như bao đứa trẻ khác. Có lúc cậu bé đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng cũng có khi cậu chỉ xếp loại trung bình. Điều đó cũng không quan trọng! Dẫu sao, bản thân cậu bé và gia đình không đặt nặng chuyện thành tích.

Đến khi Thái Anh lên lớp 6, sóng gió mới thật sự ập đến.

 

Ba Thái Anh kể: "Trong lớp, học sinh có đi học thêm thì không phải truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì thầy cho đến 10 trang giấy bài tập về nhà. Nếu làm không hết thì bị phạt thụt dầu. Môn tiếng Anh cháu học khá tốt, nhưng bài kiểm tra của cháu làm đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu bức xúc. Cháu mang về trình bày với tôi, tôi chỉ cười và khuyên con nên cho qua".

Từ ngày nghỉ học, Thái Anh vui sướng vì được sống trong thế giới riêng của mình. Ngoài giờ học trên mạng, cậu bé dành nhiều thời gian để đọc sách tiếng Anh. Cậu thích nhất là những cuốn truyện phổ biến khoa học của Oxford. Với những cuốn sách hay, Thái Anh nhất định phải đọc bằng hết mới chịu đi ngủ. Lần đầu tiên đọc tiểu thuyết, cậu "ngấu nghiến" câu chuyện thú vị về vua Arthur của nước Anh từ tối hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau mới chịu đi ngủ.

Có lẽ với mọi học sinh Việt khác, các hoạt động ngẫu hứng của Thái Anh hay chuyện cậu ngủ đến 9 giờ sáng mới dậy vì đêm qua trót "cày" tiểu thuyết... là một điều không tưởng!

Niềm vui giản đơn của Thái Anh sau những giờ miệt mài với các môn học bằng tiếng Anh là giây phút thảnh thơi đạp xe dạo quanh thành phố nơi mình đang sống.

"Con thích đạp xe ra ngoài hít thở khí trời và khám phá phần thành phố mà con chưa biết. Ở những ngã tư vòng quanh nhà con có những con đường nhiều cây xanh và ít xe cộ qua lại, mỗi khi đi qua đó, con cảm thấy lòng mình bình yên lắm", Thái Anh nói.

Ước mơ của Thái Anh là được sang Anh quốc du học. Cậu bé có xu hướng thiên về những ngành học Tự nhiên. Thầy Quốc Anh ủng hộ lựa chọn của con, nhưng không muốn cậu rời gia đình quá sớm. Mọi dự định sẽ tạm gác lại đến khi nào Thái Anh đủ 18 tuổi.

"Có thể mình đạt thành tích tốt nhưng về mặt gia đình mình sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tôi không biết tại sao sau này tôi ít sống gần được cha mẹ tôi mặc dù tôi rất thích. Lớn rồi tôi mới hiểu, vì mình đi xa gia đình sớm quá...", ba Thái Anh chia sẻ.

Về chuyện

Thái Anh tinh nghịch và rất thương anh trai.

Về chuyện

Cậu bé tự học trong các tài liệu nước ngoài và qua các chương trình học trực tuyến trên mạng.

Về chuyện

Ước mơ của Thái Anh là du học Anh quốc.

Về chuyện

Thời gian biểu trong ngày của Thái Anh.

Về chuyện

Thầy Quốc Anh không muốn con trai rời gia đình sớm, dù ông luôn đặt trọn hy vọng du học vào con trai.


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab