Thông báo điều chỉnh mức giá Kids A-Z

7 gợi ý để trẻ SĂN TỪ- bí quyết gia tăng vốn từ vựng khi đọc sách

09 Tháng Mười 2017 7338 lượt đọc

TS. Nguyễn Ngọc Minh (chủ nhiệm dự án Sách ơi mở ra) đã có những chia sẻ thực sự hữu ích về cách thức cha mẹ tổ chức chuỗi hoạt động “săn từ” trong quá trình đọc sách - nhằm kích thích trẻ tích luỹ từ vựng và phát triển khả năng diễn đạt.

Vai trò của từ vựng

Từ vựng được cọi là hạt nhân hay là trung tâm của một ngôn ngữ, thậm chí có vai trò quan trọng hơn cả ngữ pháp. Bởi ngay cả khi không hề có hiểu biết về ngữ pháp, chỉ cần có vốn từ vựng phong phú, người ta vẫn có thể biểu đạt được nhu cầu của mình.

Không hiểu biết về các từ, trẻ sẽ không thể hiểu được những gì người khác đang nói, những gì trẻ đang đọc, không thể diễn tả được ý tưởng của mình, thậm chí khó có thể tư duy được một cách mạch lạc.

Từ vựng có một vai trò rất quan trọng không chỉ giúp con học tốt môn Ngữ văn trong nhà trường, mà tất cả các môn học khác như khoa học, thậm chí toán học, bởi nó liên quan tới cả khả năng đọc hiệu quả và kĩ năng viết, những kĩ năng vô cùng quan trọng trong việc học tập nói chung.

Người có vốn từ vựng phong phú thường làm chủ ngôn ngữ, dễ dàng gây ấn tượng tốt và thuyết phục người khác. Trong thời bùng nổ của Internet, thì việc sở hữu các từ càng trở nên quan trọng, bởi mỗi từ khóa, nhờ Google, có thể mở ra cả một thế giới thông tin vô tận, nơi con người có thể tự do tìm tòi và học hỏi.

chuỗi hoạt động săn từ giúp phát triển vốn từ vựng qua đọc sách

(Ảnh: Learning Potential)

Phát triển vốn từ vựng nhờ đọc sách

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong phần lớn các trường hợp, học sinh phải xem, đọc và tương tác với từ 5-7 lần trở lên thì từ đó mới được ghi nhớ trong vòng trí nhớ dài hạn. Trẻ có thể lĩnh hội các từ ngữ một cách dễ dàng hơn nếu chúng được tiếp xúc với từ bằng nhiều giác quan khác nhau, thông qua các hoạt động như đặt câu, vẽ tranh, đặt câu hỏi… Một trong những con đường để gia tăng nhanh nhất lượng từ vựng là đọc sách.

Khi đọc sách, trẻ hấp thụ các từ một cách tự nhiên và ghi nhớ nó trong ngữ cảnh. Sách cũng chứa đựng một kho từ vựng phong phú hơn bất cứ một phương tiện thông tin nào khác.

Sách cũng mang đến cho trẻ kho từ ngữ học thuật lớn - thứ mà trong giao tiếp đời sống, trẻ rất ít có cơ hội ghi nhớ. Trong khi xem, nhìn, nghe, trẻ không thể ghi nhớ được một cách chính xác về chính tả, cách trình bày. Lượng từ vựng học thuật, từ vựng văn chương mà trẻ tiếp thụ được qua sách sẽ là một nền tảng vô cùng quan trọng để trẻ có thể tiến xa trên con đường học vấn, trở thành những người sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo, chuyên nghiệp.

Mặt khác, khi đọc sách, trẻ không chỉ hấp thụ các từ, mà cùng lúc nó hấp thụ toàn bộ các tri thức văn hóa, không khí cảm xúc, kết cấu logic mà các từ diễn tả.

7 hoạt động săn từ giúp trẻ gia tăng vốn từ vựng khi đọc sách

(Ảnh: Autralian Society of Evidence Based Teaching)

Cách tổ chức chuỗi hoạt động Săn từ để giúp trẻ tích luỹ vốn từ vựng phong phú khi đọc sách

1. Khơi dậy sự tò mò và hứng thú: Hãy tưởng tượng cuốn sách là một khu rừng và con là một thợ săn trong khu rừng ấy. Nhiệm vụ của con là săn tìm những từ ngữ thú vị, hữu ích, mới mẻ đang nằm lẩn trốn đâu đó trong các dòng chữ. Khi nào con săn được đủ 100 từ, con sẽ được thưởng một món quà nào đó.

2. Giao nhiệm vụ: Hãy giao cho con bạn một nhiệm vụ thật cụ thể, có thể định lượng được, trong một khoảng thời gian nhất định, phù hợp với mối quan tâm và sở thích, vừa sức để con có thể thực hiện được. Ví dụ, trong 3 ngày, hãy tìm cho mẹ tất cả những từ láy trong cuốn sách “Hoàng tử bé”; trong vòng 1 tuần, hãy săn cho mẹ tất cả những từ chỉ các loài động vật sống dưới nước trong cuốn “Hai vạn dặm dưới đáy biển”.

7 hoạt động săn từ giúp trẻ gia tăng vốn từ vựng khi đọc sách

(Ảnh: Your IELTS Tutor)

3. Trực quan hóa thành tích của con: Mỗi khi săn được một từ, con hãy viết nó vào một tờ giấy nhắn, thả vào cái lọ này. Mỗi tuần 2 mẹ con sẽ ngồi đếm xem mình đã săn được bao nhiêu từ vựng. Khi nào lọ từ vựng của con đầy lên, con sẽ chiến thắng trong trò chơi này. Con cũng có thể săn các từ, giải nghĩa chúng, vẽ tranh mô tả chúng, rồi sắp xếp tất cả các từ đó theo thứ tự A,B,C rồi xâu chúng lại để tạo thành một cuốn từ điển. Cứ khi đọc xong 1 cuốn sách, trong tay con sẽ có 1 cuốn từ điển về cuốn sách đó. Thật thú vị phải không nào?

4. Giám sát và khích lệ: Mỗi ngày, hãy nhắc con nhớ tới nhiệm vụ mà con đang thực hiện bằng những câu hỏi: Hôm nay con săn được bao nhiêu từ rồi? Òa, nhiều thế, mai có khi còn được nhiều hơn ấy chứ. Cho mẹ xem cái lọ của con nào? Nó có đầy lên không? Nhìn kìa, lọ của con sắp đầy rồi, còn chút nữa thôi, cố lên nhé. Nào, nói cho mẹ hôm nay con săn được thêm những từ nào, con có thể đặt câu với nó được không. Những câu hỏi đó bạn có thể hỏi con trên đường đi học về, trên bàn ăn hoặc trước giờ đi ngủ, nhưng nhớ là hãy nhắc nhở và động viên con hàng ngày. Cảm hứng học hỏi của đứa trẻ giống như một ngọn lửa nhỏ, mong manh và dễ tắt, bạn cần liên tục tiếp thêm dầu cho nó.

5. Hỗ trợ kịp thời: Hôm nay con không tìm thêm được từ nào à? Có phải con nhiều bài tập quá không có thời gian đọc sách hay không? Mình thử nghĩ xem có cách nào để làm bài tập nhanh hơn không nhé? À, cả chương này có vẻ như ít từ láy thật, vậy mình thử đọc thật nhanh để sớm săn được từ trong những chương sau được không? Từ này liệu có phải là từ láy không nhỉ? Con thử nghĩ xem nào? Theo con thế nào là từ láy? Hãy tiếp tục đưa ra những câu hỏi để tìm ra nguyên nhân của những trở ngại mà con đang gặp phải và giúp con tự tìm ra cách để giải quyết vấn đề.

6. Khen thưởng: Khi con tiến bộ hơn ngày hôm qua, hãy khen thưởng ngay lập tức, đừng chờ đợi khi con đến đích. Sự khen thưởng kịp thời mỗi khi trẻ hoàn thành tốt những mục tiêu nhỏ có vai trò cực kì quan trọng, để trẻ có cảm giác chúng đã vượt qua thử thách, đã chiến thắng, khơi dậy trong chúng niềm tự hào về bản thân, tiếp thêm cho chúng sức mạnh để cảm thấy con đường phía trước không quá dài. Phần thưởng có thể đơn giản chỉ là một lời động viên, một lời khen ngợi chân thành, một cái ôm thật chặt, một nụ hôn trên má, một cái sticker dính lên bảng thành tích. Điều quan trọng là bạn phải hữu hình hóa được phần thưởng đó để trẻ có thể cảm nhận được nó bằng tất cả các giác quan và cảm thấy trái tim mình rung động.

7. Đồng hành cùng con: Đây là nguyên tắc cốt lõi xuyên suốt cả quá trình. Bạn luôn phải tâm niệm một điều, đứa trẻ là đứa trẻ, chúng non yếu, không có ý chí, không có động lực tự thân, dễ dàng bỏ cuộc. Bạn phải trở thành người dẫn đường, người đồng hành, cổ động viên của con trên suốt chặng đường tích lũy đó. Thay vì ra lệnh, hãy biến toàn bộ quá trình học tập thành một cuộc chơi mà trong đó cả bạn và con đều ở trong một đội, chung sức để đạt tới kết quả.

Năng nhặt chặt bị, mưa dầm thấm lâu. Nếu ngày ngày bạn không ngừng cùng con tích lũy, chắc chắn chẳng mấy chốc kho từ vựng của con sẽ đầy ắp. Đó chính là một trong những tài sản quí giá mà con bạn sẽ mang theo trong suốt cuộc đời sau này.

 Tham khảo từ bài viết chia sẻ trên FB Nguyễn Ngọc Minh


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab