Matific Maths Olympiad 2024

CÓ BAO NHIÊU CÁCH ĐỌC SÁCH CÙNG CON?

28 Tháng Sáu 2017 3497 lượt đọc
Một phụ huynh tha thiết mong con sớm làm quen với sách, gửi thư kể về băn khoăn của mình như thế này: “Khi các con tôi còn nhỏ, tôi đã mua cho cháu các loại sách, truyện tranh khác nhau. Bé gái nhà tôi không để tôi đọc sách cho bé, vì cứ giở một trang sách ra là bé hỏi liền tù tì, hỏi tất tần tật về cái trang sách đó. Mỗi lần tôi mở một trang sách ra và trả lời hết các câu hỏi của con thì đã mệt lử rồi… Cứ thế hết cả một buổi tối! Phải làm sao?”
 
Một trăm đứa trẻ thì có cả trăm cách đọc sách cho trẻ. Đọc sách cho con, đọc sách cùng con – không có nghĩa chỉ là cầm cuốn sách và đọc những gì được in trong sách. Bạn hãy hiểu rộng hơn chút nữa: với trẻ ở lứa tuổi bé xíu như thế, đọc có nghĩa là sờ vào cuốn sách, cầm sách lên mân mê, có thể phấn khởi… xé vài trang, tiến tới mới xem tranh và… hỏi! Đúng như những gì mà bậc phụ huynh nói trên băn khoăn. Vậy thì, việc bố mẹ chịu khó trả lời những câu hỏi của con cũng đã là cách đọc sách cùng con rồi đấy. Tuy nhiên, qua một vài lần để bé hỏi, bạn hãy thử một lần “cướp diễn đàn” xem sao! Bằng cách nào ư? Có rất nhiều cách, nhưng tất cả phụ thuộc vào tâm lý của đứa trẻ mà bạn là người nắm rõ nhất.
 
Trước hết, bạn hãy trả lời những câu hỏi như thế này: Trẻ có thích chơi trò chơi phân vai (đồ hàng) không? Thích hát? Thích vẽ? Thích xem tivi chương trình gì? Nếu xem tivi thì bé đang yêu thích nhân vật nào? Bé thích nhất màu gì? Bé thích nhất hoạt động gì? (Chẳng hạn, có bé thích nhảy múa, có bé thích cầm bút vẽ linh tinh, có bé thời điểm ấy chỉ thích ngồi ngắm máy giặt hoạt động, có bé thích ăn…)
 
Xin thử đề xuất một vài cách đọc sách hoặc lôi cuốn bé thích sách, từ cơ sở đó bạn có thể tự đề xuất thêm và góp thêm cho chúng tôi những cách hay khác nữa nhé:
 
1.    Khiến bé thích đọc sách bằng những câu chuyện kể… không cần giở sách. Hãy chọn những mẩu ngắn, không quá dài, dễ gây mệt mỏi cho bé, và cố gắng kể một cách sinh động, dùng tất cả những “đạo cụ hỗ trợ” mà bạn có thể có như giọng nói truyền cảm, những ngón tay diễn tả người đi, kiến bò, cho nhân vật đi đi lên tay bé, lên vai bé, trò chuyện với bé - những ngón tay gật đầu chào bé, chạy đi chạy lại sẽ kích thích trí tưởng tượng của bé rất hiệu quả. Những câu chuyện có sự tương tác bao giờ cũng lôi cuốn bé hơn. Ví dụ, khi nói về con chó sói, thì có thể dừng lại và hỏi, con có biết chó sói kêu thế nào không? Nó không kêu, mà tru thế này này… Buổi kể chuyện lần sau, bé đã có thể bắt chước sói tru lên… Hoặc khi nhân vật có những hành động như thổi, hát, khóc, cười… đều có thể đề nghị bé diễn kịch theo… Những câu chuyện nên lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định (1 tuần, hoặc 2, 3 tuần). Mỗi một lần kể lại, bạn sẽ nhận thấy sự nhập tâm của bé, sự hóa thân của bé hòa nhập cùng nhân vật… Khi bé đã thích câu chuyện ấy rồi, bạn mới đưa ra cuốn sách có hình ảnh nhân vật đó. Khi ấy, tôi đồ rằng, bé sẽ đón nhận cuốn sách như một người bạn đã quen!
 
2.      Nếu bé con thích hát, trong các câu chuyện kể, bạn rất nên cho những đoạn bài hát vào. Ví dụ, cô bé Quàng khăn đỏ vừa đi vừa hát. Hát thế nào? Hát một bài nào đó… có thể bài hát mà bé đã biết, bé sẽ hát theo. Hoặc là một bài hát mới, bé sẽ chăm chú nghe. Nhưng lưu ý chọn những bài ngắn gọn thôi, kẻo nội dung câu chuyện sẽ loãng đi mất.
 
3.      Nếu bé con yêu thích một nhân vật đặc biệt nào đó, ví dụ như khủng long, một hôm nào đó bạn mua cho bé một cuốn sách và tuyên bố, bạn khủng long gửi quà cho bé đấy. Với trẻ dưới 5 tuổi, bố mẹ có thể cùng tưởng tượng như vậy mà không áy náy là mình đã… nói dối con! Hi vọng, bé sẽ hào hứng hơn với món quà từ người bạn mà mình đang hâm mộ!

  

4.      Cho phép bé vẽ vào sách. Mặc dù tôi biết rằng điều này có thể sẽ bị lên án là phản giáo dục, rằng phải dạy con giữ gìn sách. Nhưng với bé con rất nhỏ, ban đầu, bạn vẫn có thể cho bé có cảm giác “sở hữu” với cuốn sách bằng cách vẽ thêm vài nét cho nhân vật hay tô thêm những chỗ nào bé thích tô vào. Có thể hoạt động này cũng khiến bé gần gũi với sách hơn.
 
5.      Bé thích nhảy múa? Vậy thì đôi khi hãy cùng nhảy múa với bé một điệu nhảy nào đó do bạn nghĩ ra, giới thiệu: “Điệu nhảy của bạn Buratino trong sách này đấy!
 
6.      Sau khi cùng con đọc được một câu chuyện nào đó vài lần, một lần khác, bạn hãy kể lại câu chuyện đó với chi tiết sai để xem bé có phản ứng gì không. Nếu bé phản ứng, nói: “Mẹ kể sai rồi”, nghĩa là những gì bạn làm đang có kết quả. Bé đang chú ý đến sách hơn.
 
7.      Mỗi khi mua cho bé cuốn sách, hãy trân trọng ghi tặng và đọc cho bé nghe câu ghi tặng ấy. Mua cho bé nào ghi tên bé ấy. Với trẻ nhỏ, nên lần nào cũng ghi đúng một câu giống nhau, như một thói quen, vì trẻ luôn yêu những gì đã là thói quen mà. Chẳng hạn, tôi thường hay ghi tặng con trai như thế này: “Bố mẹ mua cho cu Dế yêu quý”. Về sau, cứ có cuốn sách mới là cu cậu lại chỉ ngón tay vào từng chữ và đọc vanh vách, cứ như là biết chữ rồi ấy, một cách rất hãnh diện.
 
8.      Đôi khi hãy tổ chức đọc sách cả gia đình. Bắt đầu là bố mẹ, rồi trẻ, bé sẽ thấy lạ lạ, hay hay và để ý đến việc này. Buổi tối, trước giờ đi ngủ độ nửa tiếng, bố và mẹ ngồi cạnh nhau ở một nơi thật tĩnh, tắt hết tivi, và bố đọc hoặc mẹ đọc một truyện nào đó của trẻ con cho nhau nghe, cười thích thú với nhau vì ngày bé mình từng đọc truyện này rồi… Bọn trẻ dần dần sẽ thích kiểu sinh hoạt gia đình như thế.
 
9.      Nhà hát múa rối tại gia: Nhà nào bây giờ chắc cũng có vài con thú bông hoặc những con thú đồ chơi bằng nhựa của các bé. Vậy, bố và mẹ có thể biểu diễn cho bé xem một vở kịch cùng các con thú quen thuộc. Sau đó, bé sẽ tham gia nhiệt tình. Khi mua được cuốn sách nói về nhân vật nào đó, bạn cũng có thể kiếm con thú bông hình con vật ấy, và biểu diễn nội dung sách cho bé xem. Có lúc có thể kết hợp vừa đọc vừa sử dụng nhân vật đồ chơi…
 
10.  Thi thoảng hãy tự nhận mình là nhân vật nào đó trong truyện của bé. Bố và mẹ gọi nhau bằng tên nhân vật ấy, rồi sau đó đặt tên cho bé, nếu bé hào hứng. Chẳng hạn: “Hôm nay mẹ là cô Bạch Tuyết còn bố con mình là hai chú lùn nhé. Chú lùn số 1, chú lùn số 2. Thôi chào cô Bạch Tuyết và chú lùn số 2, chú lùn số 1 đi làm đây ạ! Chú lùn số 2 nhớ phải bảo vệ Bạch Tuyết thật tốt nhé!”
 
Tôi tin rằng, các bậc cha mẹ sẽ nghĩ thêm những phương cách vui nhộn khác nữa để bé con của mình quan tâm hơn đến sách.
 
Nhưng với các bậc cha mẹ trẻ, tôi vẫn muốn chia sẻ rằng, đọc sách cũng là một thói quen, nếu bạn cho trẻ tiếp xúc với sách từ khi còn rất nhỏ, trước 1 tuổi hoặc từ 1 tuổi, thì bé chắc chắn sẽ để ý đến sách nhiều hơn. Khi bé còn quá nhỏ, hãy mua cho bé những cuốn sách bằng vải hoặc bìa cứng để bé có thể giở, xem và gặm! Khi bé đã lớn đến 3, 4 tuổi, bạn hãy làm cho bé một tủ sách riêng. Trẻ con vốn ưa sự sở hữu, bạn hãy gọi đó là Tủ sách của Cún, Tủ sách của Đốm… Chắc chắn bé sẽ hài lòng lắm đấy!
 
TS. Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh,
Chủ nhiệm CLB “Đọc sách cùng con
Nguồn: docsachcungcon.com”

ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab