Bạn có hay mắng con theo một trong các cách này không, hãy đọc và nhắc bản thân hít thở sâu nếu lần tới bạn thấy bực với con bạn nhé!

08 Tháng Chín 2017 5798 lượt đọc

Có thể bạn đã tự hào là kiềm chế được bản thân và hầu như không bao giờ đánh con. Thế nhưng còn việc mắng con, bạn đã lưu tâm đủ kĩ để không gây tổn thương cho con không? Với rất nhiều người, câu trả lời là KHÔNG. Hãy cùng đọc bài viết sau của mẹ Phan Thị Hồ Điệp và cùng nhắc bản thân lưu tâm thay đổi bạn nhé!

Đây là những lời mắng con từ phụ huynh mà mình lượm lặt được:

  • Nhận định về con: Dốt quá con ạ/ Ẩu nhất quả đất/ Chậm chạp quá/ Ngu như bò/ Lúc nào cũng lơ nga lơ ngơ/ Mặt cứ đần ra thế…
  • Tỏ thái độ trước những việc làm sai của con: Làm bố/ mẹ xấu hổ/ Bố/ mẹ muốn chui xuống đất vì con/ Rồi cũng đến khổ với con/ Họ nhà mình toàn người học giỏi mà con thì làm bố mẹ xấu mặt…
  • So sánh con với “con người ta”: Đi xách dép cho nó/ Sao con không bằng cái móng tay của nó/ Con mà được như thế có phải bố mẹ được nhờ không/ Sao cũng sinh con mà người ta sướng thế/ Ôi nhìn con nhà người ta mà thèm…
  • “Dự đoán” về tương lai: Rồi lấy gì mà ăn/ Đi hót rác thôi con ạ/ Đến ăn mày thôi con ạ/ Cả đời không ngẩng mặt được lên đâu…
  • Ngăn chặn một việc làm gì đó của con: Mày có thôi ngay đi không/ Mày làm thế tao đánh cho đừng trách/ Có não không mà làm như thế/ Mẹ cấm con…

Nói chung tùy theo mức độ nặng nhẹ, tùy từng không gian, tùy từng gia đình lại có những lời mắng khác nhau.

Phụ huynh thường tự bao biện cho việc mắng của mình như sau:

  • Mắng cho con “mở mắt” ra. Không mắng thì làm sao nó biết điều chỉnh, sửa đổi.
  • Mình thương con mình mới mắng. Chứ ra ngoài kia kìa, người dưng kia kìa, ai người ta thèm nói.
  • Đánh thì mới sợ chứ mắng thì nhằm nhò gì.
  • Và cuối cùng, xưa nay có ai bị mắng mà chết được đâu.

Không, mình nghĩ khác. Có “chết” đấy bạn ạ. Bởi có những lời nói có khi “đau” hơn ngàn roi vọt.

Bạn cứ nhắm mắt lại nghĩ về tuổi thơ của mình. Giữa những kỉ niệm êm đềm, ngọt ngào và kỉ niệm xấu, bạn nhớ kỉ niệm nào hơn. Mình đoán bạn sẽ nhớ lần bạn bị đánh, mắng, bị đau, bị khóc, bị khổ, bị bỏ rơi, bị tổn thương, bị xúc phạm…

Bố của Nam hơn 50 tuổi, trong những ngăn kí ức đầy chặt về tuổi thơ, bố Nam luôn nhắc đến một lần bị người hàng xóm mắng là “ngu thế” khi trót chạm vào cái ác quy. Từ đó trở đi, bố Nam sợ cái… ác quy. Sợ và ghét người đàn ông đã mắng mình khi ấy.

Thế đó, trí nhớ luôn ghi nhớ và tái hiện những điều không tốt.

Và có thể bạn, thay vì gần gũi, yêu thương, nghiêm khắc một cách đúng đắn, giữ bình tĩnh, kỉ luật hài hòa thì bạn lại gieo cho con những kí ức xấu.

Nhiều người sẽ nói: Ôi, đâu có sao đâu. Như mình đây này, lớn lên toàn bị chê bị mắng mà bây giờ vẫn đàng hoàng, hạnh phúc, vui vẻ.

Ừ thì không sao. Nhưng bạn ơi, thử tưởng tượng một hôm nào đó, bạn mệt, bạn rất mệt.

Rồi chồng bạn về muộn.

Rồi bạn bị sếp mắng.

Bạn làm hỏng một việc gì đó.

Rồi bạn bị ai đó nói xấu…

Bỗng nhiên, những câu nói năm xưa hiện về.

Và có thể, biết đâu đấy, nó là giọt nước tràn ly dẫn đến những quyết định tiêu cực.

Nên thôi, mình phòng cho con đi bạn ha.

Vì có thể con bạn sẽ có lúc:

  • Cảm thấy mình không được bằng bạn bằng bè.
  • Cảm thấy mình không được thông minh xinh xắn như bạn bè
  • Cảm thấy đầy áp lực học hành…
  • Và chỉ cần nhớ lại những kí ức xấu, nó có thể đánh gục con bạn.

Dù bạn đã cố công nuôi con.

Một cách đầy thành ý.

Mình dừng lại, hít thở sâu đi bạn ha.

Bạn làm được mà.

Nguồn: FB Phan Hồ Điệp


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab