Matific Maths Olympiad 2024

"Làm gì để con không ham game?" - Chia sẻ từ chuyên gia CNTT và chuyên gia tư vấn GD

13 Tháng Ba 2018 6450 lượt đọc

Anh Trịnh Minh Cường, chuyên gia CNTT và chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Đình Sơn đã chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích trong buổi toạ đàm "Làm gì để con không ham game - Cách đồng hành cùng con thời công nghệ" mà ConTuHoc tổ chức tại Học viện Khám phá (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào chiều thứ 7 (10/3) vừa qua. 

Chị Dương Thị Minh giới thiệu chương trình hội thảo Làm gì để trẻ không ham game?

Buổi tọa đàm được chị Dương Thị Minh - founder của ConTuHoc.com, đại diện BTC chương trình - bắt đầu đúng giờ.

Buổi tọa đàm gồm 2 phần chính:

  • Phần chia sẻ của anh Trịnh Minh Cường - chuyên gia CNTT - vị khách mời sẽ chia sẻ với chủ đề này dưới góc độ của một phụ huynh giàu kinh nghiệm thực tế, và là người chị Minh tin cậy nhờ chia sẻ những câu hỏi về việc nhìn nhận năng khiếu lập trình của con trẻ - điều mà một số bố mẹ có con hame chơi máy tính đặt câu hỏi.
  • Phần chia sẻ của chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục nhiều kinh nghiệm Nguyễn Đình Sơn - vị khách mời mà chị Minh hy vọng sẽ mang lại những thông tin toàn diện dưới góc nhìn của khoa học tâm lý cho chủ đề này.

I. Phần chia sẻ của anh Trịnh Minh Cường với thông điệp nhiều phụ huynh tâm đắc: ĐỪNG ĐỂ CON MỘT PHÚT NÀO CÔ ĐƠN!

Mở đầu chương trinh là phần chia sẻ của anh Trịnh Minh Cường, chuyên gia gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm và đào tạo lập trình. Anh từng làm việc cho Microsoft và hiện là CEO công ty đào tạo lập trình Techmaster.

Anh Cường chân thành chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm của bản thân khi từng có lúc con trai ham game hồi học lớp 10. Từ ví dụ thực tế của chính mình, anh Cường mang đến quan điểm của bản thân cho hai câu hỏi quan trọng:

1. Vì sao trẻ thích, ham chơi game?

phân tích các điểm khiến game trở nên đặc biệt thu hút đối với trẻ. Anh khẳng định: Các nhà làm game hiểu con bạn hơn cả chính bạn. Để thiết kế, sản xuất game, họ đều phải trải qua những lớp tâm lý để thấu hiểu tâm lý khách hàng, nhất là đối tượng trẻ, từ đó, làm game thật hấp dẫn.

Bằng cách so sánh giữa game và đời thực, anh Cường cho thấy trẻ ham game, nghiện game là điều hoàn toàn có thể xảy ra:

  • Con có thể làm anh hùng, siêu nhân hay bất cứ hình tượng nào mà con muốn trong game.
  • Mọi sở thích đều được đáp ứng trong game: đua xe, bắn súng...
  • Các nhà làm game thấu hiểu sự chênh lệch giới tính, khi con trai nhiều hơn con gái và thực tế có không ít bạn trai không thể/khó có bạn gái. Với game, con bạn có thể có bạn gái mình thích.
  • Game có hệ thống rewarding - tưởng thưởng - cho người chơi khiến trẻ càng thêm thích thú. Trong đời thực, không dễ gì trẻ được tung hô, tôn vinh.
  • Hình ảnh trong game ngay càng chân thực, từng sợi tóc, màu da đều rất sống động.
  • Nhà sản xuất liên tục nâng cấp để tạo sự mới mẻ cho game.
  • Nếu người chơi thua, game sẽ tự động hạ độ khó xuống một chút để níu giữ người chơi.

Anh Cường phân tích điểm hấp dẫn của game so với đời thực.

2. Nguyên nhân khiến trẻ ham game?

Anh Cường quan điểm rằng, chính bố mẹ khiến con nghiện game!

  • Bản thân bố mẹ nghiện thiết bị điện tử
  • Tư bé, bố mẹ dỗ con bằng thiết bị điện tử, trong đó có game.

Anh Cường chia sẻ vv Bố mẹ vô tình khiến con nghiện game như thế nào?

Tiếp đến, anh Cường giải đáp thêm câu hỏi thứ ba, là câu hỏi của một số PH thấy con ham chơi trên máy tính, mà chị Minh đã gửi tới anh trước buổi hội thảo:

3. "Trẻ ham chơi với máy tính nhiều liệu có thể hy vọng sẽ yêu thích lập trình?"

Anh Cường khẳng định: Hai thứ này chẳng hề liên quan với nhau. Chẳng có gì hay khi một đứa trẻ suốt ngày chỉ vùi đầu vào máy tính. 

Phần lớn những trò game cho trẻ đều mang tính thuần giải trí. Trong khi lập trình đòi hỏi phải có tư duy logic. Trẻ chơi game thường ít vận động, chỉ muốn thành công nhanh, hay sốt ruột, hay nản, thiếu kiên trì, không dám đối mặt với thất bại. Còn trẻ có ham thích lập trình thường ham thích các môn tự nhiên, chăm chỉ, có kỷ luật, thích khám phá.

Anh Trịnh Minh Cường giải thích không có mối liên hệ giữa việc trẻ dung nhiều máy tính và năng khiếu lập trình.

Một số lưu ý để cha mẹ giúp con không ham game theo chia sẻ của anh Trịnh Minh Cường:

  • Không bật tivi, không dùng di động khi ăn cơm
  • Cha mẹ làm gương cho con, hạn chế thời gian online
  • Tăng cường các hoạt động thể thao, âm nhạc, thủ công, dã ngoại cho con
  • Nếu con chán học ở trường, suy xét để chuyển trường hoặc hướng con học nghề/đi du lịch khám phá
  • Nắm vững nguyên tắc: Con bạn không giống bạn
  • Đảm bảo môi trương gia đình lành mạnh sẽ giúp con ít nghiện game
  • Không để con 1 phút cô đơn! - Đây chính là điều mà kết thúc phần nói chuyện của mình, anh Cường một lần nữa nhấn mạnh: Nếu các bạn có quên hết những thứ mà tôi vừa nói thì chỉ cần nhớ duy nhất điều này thôi!

Anh Trịnh Minh Cường chia sẻ bí quyết để cha mẹ giúp con không bị nghiện game.

II. Phần chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Đình Sơn

Anh Nguyễn Đình Sơn là giảng viên Phương Pháp học, Chuyên gia tư vấn giáo dục tốt nghiệp Master tại trường Stamford (Thái Lan). Anh đã đồng hành trên 150,000 nghìn học sinh & phụ huynh trên toàn quốc từ trường chuyên đến trường quốc tế, từ trường dân lập đến công lập qua những chia sẻ thiết thực về giáo dục. Anh Sơn đã có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn trực tiếp cho hàng trăm gia đình về con nổi loạn và ham game bằng cẩm nang trên 300 trang giúp cha mẹ có con ham công nghệ thông minh (game, mạng internet, smartphone, facebook). Cuốn sách mang tên “CẨM NANG DÀNH CHO CHA MẸ HÀNH ĐỘNG VÌ CON”.

Mở đầu phần chia sẻ của mình, chuyên gia Nguyễn Đình Sơn giới thiệu một số kiến thức khoa học về não bộ liên quan tới cách thức nuôi dạy con. Ví dụ: những đứa trẻ được cha mẹ nuôi dạy chủ yếu theo phương pháp phát triển "não phải" sẽ có trí tưởng tượng và sáng tạo tốt, tính hay bốc đồng, hành xử theo cảm tính... Trong khi đó, đứa trẻ "não trái" có óc logic cao, hành xử lý tính, thích lập kế hoạch...

Sau đó, đi từ cách nhìn 5-ngón-tay khi xem xét "thế nào là hạnh phúc" đối với người lớn: sự nghiệp-gia đình-sức khoẻ-bạn bè-sở thích riêng, anh Sơn dẫn ra trường hợp tương tự đối với trẻ độ tuổi thiếu niên. Hạnh phúc với trẻ là học hành, gia đình, sức khoẻ, bạn bè và sở thích riêng. Ở lứa tuổi này, trẻ nhìn chung có xu hướng khẳng định bản thân, muốn làm người lớn. Nhưng đồng thời, trẻ phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn từ thực tế cuộc sống. Trong khi đó, game thoả mãn được những nhu cầu này của trẻ. Bởi trong game, trẻ được làm gì tuỳ thích, được đảm nhận những vai trò mà ngoài đời thực, trẻ không dễ dàng có được. 

Điều nguy hiểm là, anh Sơn cho biết các hãng sản xuất game lớn trên thế giới đã đầu tư rất nhiều tiền của để thuê các chuyên gia tâm lý hàng đầu tham gia thiết kế, để làm cho game gây nghiện. 5 cơ chế gây nghiện chính của các loại game:

  • Cơ chế đánh vào tâm lý tuổi teen: muốn làm người lớn, muốn khẳng định bản thân. Game thiết kế cho trẻ làm được những điều có thể không làm được ngoài đời thực.
  • Cơ chế kết nối cộng đồng: các game MMO (là game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi) đòi hỏi có đội nhóm để triển khai chiến thuật, game thủ sẽ có mối kết nối cộng đồng với các bạn chơi, coi trọng lịch hẹn cùng chơi với bạn hơn rất nhiều điều quan trọng khác
  • Cơ chế bản năng gốc sex: trong game trẻ thấy những nhân vật khác giới rất hấp dẫn.
  • Cơ chế nghiện về hành vi: game đã trở thành thói quen.
  • Cơ chế cờ bạc

Về các cách điều tiết tình trạng nghiện game của con, anh Nguyễn Đình Sơn chia sẻ:

  • Cha mẹ cần điều tiết về mặt thời gian: giảm dần chứ không phải giảm đột ngột hoặc lập tức cấm con chơi game
  • Tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau thay vì chỉ có một hoạt động chơi game vào một giờ nhất định. Cha mẹ thực hiện việc này bằng cách quy định cho con chơi game vào một thời điểm này, xem phim vào thời điểm khác... sau đó, đảo lộn trật tự để con không rơi vào trạng thái: "cứ đến giờ đó là phải chơi game, không thì bứt rứt, khó chịu".
  • Tìm môi trường không game cho con: Chuyên gia Nguyễn Đình Sơn cho biết, giống như chia sẻ lúc trước của anh Trịnh Minh Cương, cha mẹ phải đảm bảo để trẻ là một đứa trẻ biết làm việc nhà, biết lao động, biết ý nghĩa của 

Các cách điều tiết để xử lý tình trạng nghiện game của con

Ở phần tiếp theo, anh Sơn đặt vấn đề: Nên phòng ngừa tình trạng ham game, nghiện game cho con như thế nào.

Chuyên gia dày dạn kinh nghiệm này đã đưa ra một ví dụ đầy hình tượng: Con diều bay lên cao được là nhờ gió, nhờ dây diều chắc, nhờ người nắm giữ dây diều. Tương tự, để một đứa trẻ không ham mê, vùi mình vào game, theo anh Sơn, cha mẹ cần:

  • tạo dựng giá trị gia đình vững chắc (tương tự chia sẻ của anh Cường: gia đình lành mạnh, hạnh phúc sẽ tạo điều kiện cho con không bị sa đà vào game)
  • trước khi nói với con, giảng giải, thuyết phục, "lên lớp" con bất cứ điều gì, cha mẹ phải suy nghĩ thật kỹ, phải đặt mình vào cương vị của trẻ, phân biệt giữa điều mình muốn và điều mình cần làm với con.
  • trường hợp xảy ra lỗi, trước hết, cha mẹ phải tự hỏi lại mình: đã hiểu con chưa, đã biết cách nói chuyện với con chưa, phải học thêm gì để cải thiện khả năng kết nối với con...

Kết thúc buổi toạ đàm là phần giải đáp thắc mắc trực tiếp từ phụ huynh của chuyên gia Nguyễn Đình Sơn. Cha mẹ tham gia toạ đàm đã đưa ra những câu hỏi rất thiết thực như: Trong gia đình, nếu vợ chồng không thể thống nhất trong cách xử lý và dạy dỗ con khi con có biểu hiện nghiện game thì phải làm sao? Nên nhìn nhận như thế nào về các trò game được dùng như một phương tiện để giáo dục trẻ (game giáo dục - câu hỏi từ một cô giáo)?

Phần hỏi - đáp giữa phụ huynh và chuyên gia


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Tags:

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab