Hội thảo hướng dẫn ôn thi vào 6

Không quan trọng độ tuổi nào trẻ được học ngoại ngữ, mà quan trọng nhất là trẻ được học theo cách NHƯ THẾ NÀO

18 Tháng Chín 2017 6179 lượt đọc

Nhiều người biết đến tôi như một bà mẹ dạy tiếng Anh sớm cho cả hai con. Và chắc hẳn nhiều người cũng sẽ cho rằng tôi chắc chắn ủng hộ việc dạy tiếng Anh cho trẻ con càng sớm càng tốt. Thực tế là: không quan trọng độ tuổi nào trẻ được học ngoại ngữ, mà quan trọng nhất là trẻ được học theo cách NHƯ THẾ NÀO.

Tôi chọn dạy tiếng Anh sớm cho các con bởi vì tôi có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh và vì tôi yêu ngôn ngữ này. (Hơi “chát” để nói thật rằng có lẽ tôi yêu nó hơn tiếng mẹ đẻ. Tôi đã sống với nó từ ngày bé vì tôi rất thích nghe nhạc tiếng Anh và hát theo hàng giờ mỗi ngày trong nhiều năm liên tiếp.)

Trong bài này, tôi xin làm rõ câu hỏi “Học hay không học từ sớm?”

1. TRẺ NHỎ CÓ KHẢ NĂNG HỌC MỌI NGÔN NGỮ NHƯ NHAU

Khả năng học ngôn ngữ của trẻ nhỏ cực kỳ kỳ diệu. Không có gene nào quy định rằng trẻ người Việt chỉ học được tiếng Việt, hay trẻ sinh ra ở Mỹ chỉ học được tiếng Anh. Ngôn ngữ được học sớm cùng thời điểm với tiếng mẹ đẻ hoặc không lâu lắm sau khi sinh ra được trẻ học theo cách như nhau. Trong giai đoạn đang bập bẹ, trẻ chưa thành thạo tiếng mẹ đẻ, nên việc học một ngôn ngữ nữa rất dễ dàng vì không có sự chống đối về tâm lý.

Nhiều trẻ chỉ cần lên 3 hay 4 là đã có thể phản ứng không tích cực khi nghe thấy cha mẹ nói tiếng Anh với trẻ. Ở tuổi này, trẻ đã đủ khả năng tiếng Việt để hỏi: “Mẹ nói cái gì vậy? Nói tiếng Việt đi mẹ.” Điều đó không có nghĩa là trẻ không có khả năng học, mà chỉ có nghĩa là cha mẹ cần phải rất khéo léo, kiên trì và chọn thời điểm mà trẻ không phản ứng để giới thiệu tiếng Anh theo cách thích hợp với trẻ. Trẻ ở tuổi 3-4 có mối quan tâm khác với trẻ 1-2 tuổi.

Trẻ 1-2 tuổi đang rất thích thú khám phá thế giới, muốn biết tên gọi của đồ vật, tò mò về màu sắc và chức năng của mọi thứ, thích nói đi nói lại từ mới học được, và thích khi được hỏi đi hỏi lại những câu đơn giản như: “Con có thích ăn chuối không? Con có thích ăn táo không? Quả táo màu gì nhỉ? Ai kia nhỉ? Bố đang làm gì đấy? Con đang làm gì?” Trẻ lớn đã có đủ thời gian để khám phá thế giới theo cách đó, và mức độ nhận thức của chúng đã phát triển hơn. Khi ấy, nếu cha mẹ cứ dạy con về tên gọi đồ vật hay các từ vựng theo cách dạy cho trẻ bé, những đứa trẻ 3-4+ sẽ sớm phát ngán: Chúng đã biết hết và có tiếng Việt để diễn đạt rồi. Tại sao phải học thêm tiếng nữa theo cách chúng không cảm thấy thích thú?

Khả năng học ngoại ngữ của trẻ theo cách như tiếng mẹ đẻ, theo một số nguồn, kéo dài cho tới năm 7 tuổi.

2. VẬY TỨC LÀ CẦN DẠY TRẺ TRƯỚC KHI TRẺ LÊN 7 SAO?

Không hẳn.

Nếu bạn thành thạo tiếng Anh và thích thú với việc dạy con, câu trả lời là có – nếu bạn muốn. Nếu bạn không thành thạo tiếng Anh, câu trả lời là: bạn nên cân nhắc. Vì những gì bạn nói với trẻ sẽ được trẻ thẩm thấu như miếng bọt thấm nước, từ cách bạn phát âm, sử dụng từ vựng, cho tới ngữ pháp.

Và nếu bạn không thích thú với việc dạy con, thì bạn không cần phải cố gắng làm điều đó.

Việc dạy trẻ ngoại ngữ tại nhà đòi hỏi người lớn phải biết cách tương tác với trẻ, chứ không đơn thuần là tiếng Anh tốt là đủ. Cách trẻ nhỏ học ngôn ngữ rất khác với trẻ lớn đã biết chữ và người lớn. Nhiều cha mẹ không hiểu nên mắc sai lầm là đem cách dạy học như ở trên lớp về, mong đợi con ngồi im lắng nghe, yêu cầu con nhắc lại, và dạy từ vựng và các mẫu câu theo cách cực kỳ cứng nhắc. Dạy theo cách đó, trẻ nhỏ sẽ sớm chán và chạy đi. Khi trẻ có phản ứng như thế tức là cách dạy không phù hợp. Không ít cha mẹ không hiểu điều này và thường gây căng thẳng cho trẻ khi trẻ từ chối học. Trong trường hợp như thế, cảm nhận của trẻ là “cha mẹ mình muốn mình học tiếng Anh. Mình không thích lắm. Nhưng khi mình tỏ vẻ không thích, cha mẹ hay bực tức. Mình rất không thích cha mẹ bực tức.” Tiếp đó, trẻ sẽ tránh học tiếng Anh khi có thể. Lý do là vì cha mẹ đã đem cảm xúc tiêu cực và sự bắt ép vào trong quá trình dạy.

3. TRẺ LỚN HƠN VẪN CÓ THỂ HỌC TIẾNG ANH BÌNH THƯỜNG

Phải, ngày trước tôi lên 8 mới bắt đầu học. Cách thức học và quá trình học sẽ không giống với trẻ đang học nói ở độ tuổi nhỏ. Trẻ lớn ý thức được rằng chúng đang học một ngoại ngữ, chúng hiểu rằng nếu không để ý học thì cũng chẳng sao – vì mọi người xung quanh đều nói tiếng Việt. (Đây là một trong các lý do mà sinh viên Việt ra nước ngoài học tiếng Anh rất nhanh, vì chẳng có ai nói tiếng Việt cả. Nếu không chịu nói tiếng Anh thì rất có thể sẽ chết đói cũng nên, và sẽ chẳng có bạn!)

Trẻ lớn đã biết chữ. Và khi chúng đã biết chữ, chúng có khả năng tự học rất lớn. Ngày trước tôi chủ yếu tự học qua đọc lời bài hát và xem phim với phụ đề tiếng Anh – lớp học hầu như không giúp tôi được mấy vì chỉ toàn làm bài tập ngữ pháp. Để khuyến khích trẻ tự học tiếng Anh ở độ tuổi lớn hơn, điều quan trọng nhất không phải là kè kè ở bên cạnh chúng để bắt chúng ngồi “học”, mà là giới thiệu tiếng Anh cho chúng theo một cách vui vẻ. Cảm xúc rất quan trọng trong quá trình học hỏi. Trẻ sẽ từ chối học một thứ không phải vì thứ đó chán, mà vì người lớn ép chúng học và khiến chúng liên hệ nội dung học đó với sự căng thẳng.

Vì vậy, nếu bạn không có đủ tiếng Anh để tự dạy con nhỏ, điều quan trọng nhất là bạn giới thiệu tiếng Anh cho con theo cách thức vui vẻ và nhẹ nhàng. Âm nhạc là một trong những cách đó. Xin lưu ý rằng âm nhạc, hoạt hình, và những thứ khác xuất hiện trên màn hình chỉ là cách để giới thiệu ngôn ngữ cho trẻ (theo cách là: “này con, có một thứ tiếng khác ngoài tiếng Việt đấy”), chứ không phải là cách chính để trẻ học. Trẻ sẽ không biết sử dụng tiếng Anh để giao tiếp bằng cách nghe nhạc, xem hoạt hình, hoặc sử dụng phần mềm. Các phụ huynh không nên tin vào các quảng cáo nói rằng trẻ sẽ không cần ai dạy ngoại ngữ mà chúng sẽ tự học qua xem. Chúng có thể hiểu được các từ, cũng như gạt tay để chọn câu trả lời đúng. Nhưng đó không phải là khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Nếu trẻ có thiện cảm với tiếng Anh, khi được đi học ở lớp, trẻ sẽ thích thú và học hiệu quả hơn rất nhiều so với những trẻ khác cũng đi học lớp đó mà không thích thú với tiếng Anh. Ở độ tuổi lớn, động lực tự thân (đến một cách tự nhiên vì niềm yêu thích) là yếu tố thiết yếu để học thành công.

4. CHO TRẺ HỌC SỚM HAY MUỘN THÌ ĐỀU PHẢI CHÚ Ý ĐẾN CẢM NHẬN CỦA TRẺ

Cảm nhận của trẻ rất quan trọng. Nếu chúng không hào hứng, không thích thú, thì bạn cần thử lại vào thời điểm khác, hoặc nếu chúng tiếp tục tỏ vẻ không quan tâm trong thời gian dài, điều đó có nghĩa là bạn tiếp cận sai cách. Hãy quan sát biểu hiện của trẻ để điều chỉnh bạn, chứ không phải trẻ.

Đối với lớp học cũng vậy. Không phải thầy cô giáo nào làm việc dạy tiếng Anh cho trẻ cũng hiểu trẻ và có cách thức dạy phù hợp với từng lứa tuổi. Trong việc lựa chọn thầy cô và lớp học (đối với lớp ở trung tâm hoặc gia sư), bạn cần phải đánh giá và quan sát rất kỹ xem người dạy có thân thiện với trẻ, có yêu trẻ và biết cách vui đùa cùng trẻ hay không. Nhiều trẻ độ tuổi tiểu học đã phải ngồi học tiếng Anh theo cách nghe giảng, chép quy tắc và làm bài tập ngữ pháp. Đây không phải là cách thích hợp và hiệu quả cho độ tuổi này.

Tôi đã từng dạy những trẻ mà buổi nào những nội dung đã được học cũng như mới. Lý do rất đơn giản: Đứa trẻ không muốn học vì đơn giản là nó không quan tâm, hoặc đã có ác cảm với tiếng Anh do đã học theo cách không phù hợp với thầy cô nào đó trước khi gặp tôi. Không có ích gì để dạy một đứa trẻ không thích học. Nó sẽ không chịu học. Cha mẹ nên cho nó nghỉ để cho nó học một thứ khác theo lựa chọn của chính nó hoặc để nó dành thời gian cho một sở thích lành mạnh.

* * *
Rất nhiều cha mẹ cuống cuồng cho con đi học tiếng Anh vì sợ con thua kém trẻ khác, hoặc sợ sau khi nghe thấy các quảng cáo nói “Nếu không cho con bạn học bây giờ, bạn đã bỏ lỡ giai đoạn vàng của con. Khổ thân con bạn chưa. Bạn sẽ ân hận đấy.”

Khi bạn nghe bất cứ quảng cáo nào nói vậy, đừng bao giờ tin và đừng bao giờ đọc tiếp. Họ biết các phụ huynh có tâm lý lo sợ con không bằng ai. Họ rất giỏi “câu cá” theo kiểu này.

Bạn hãy dạy con tiếng Anh hoặc cho con học tiếng Anh vì bạn thích thú với việc dạy và/hoặc con thích thú học, chứ đừng cố dạy để chuẩn bị trẻ cho tương lai. Những gia đình dạy con tiếng Anh thành công là bởi vì họ và con họ vui vẻ trong quá trình học. Mong ngóng con học thật nhanh, thật nhiều, thật sớm khiến cho nhiều cha mẹ “đốt cháy giai đoạn”, gây căng thẳng cho cả con lẫn bản thân, và việc học sẽ vừa không đem lại kết quả, lại vừa đem lại ức chế cho đứa trẻ. Căng thẳng là một trong những yếu tố cản trở não phát triển.

Vì vậy, nếu bạn không tự dạy con tiếng Anh tại nhà được, hãy dạy con thứ khác, và hãy vui với con đi bạn! Không có gì phải lo đâu.

Nguồn: FB Phương Đặng - tác giả cuốn sách Giỏi Tiếng Anh Không Tốn Mấy Đồng


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab