Matific Maths Olympiad 2024

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

11 Tháng Mười Một 2017 14533 lượt đọc

Dù thiếu thốn về vật chất nhưng đời sống tinh thần của trẻ con ngày ấy có thể khiến thế hệ trẻ bây giờ phải ngưỡng mộ và thèm thuồng. Bởi có những giây phút hồn nhiên không thể nào quên, với những trò chơi dân gian này.

Trồng nụ trồng hoa

Cần có:

Đây là trò chơi dân gian rèn luyện khả năng nhảy cao, bật xa, và sự khéo léo của người chơi. Cần có nhóm chơi từ 4-5 người trở lên.

Cách chơi:

  • Các bé sẽ chia làm hai phe bằng cách oẳn tù tì. Bên thua cử hai người trồng nụ trồng hoa cho đội thắng nhảy qua. Hai người ngồi đối diện, hai chân áp vào nhau thẳng đứng, đó là canh một.
  • Đội bạn nhảy qua canh một thì nói “đi canh một”, lượt về thì nói “về canh một”. Bạn chơi giỏi nhất sẽ đóng vai mẹ và nhảy đầu tiên dẫn cả đội nhảy qua.
  • Vượt qua canh một thì chuyển qua canh hai. Hai người trồng nụ trồng hoa xếp bàn chân cao hơn, gót chân này xếp trên mũi chân kia. Các bàn tiếp theo lần lượt đưa tay xếp chồng lên cao để cây lớn và tăng độ khó. Đòi hỏi các bạn phải nhảy thật cao.
  • Với những bạn chơi kém hơn không qua được bàn cao thì chờ mẹ – là bạn chơi giỏi nhất cứu. Màn cuối cùng là đi qua sông lớn và sông nhỏ. Nếu qua được cả hai sông là thắng.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Bịt mắt bắt dê

Cần có:

Một nhóm bạn từ 7-10 người

Cách chơi:

  • Oẳn tù tì để tìm ra người sẽ phải bịt mắt. Bạn thua cuộc phải bịt mắt bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy gì. Những người còn lại sẽ đứng xung quanh.
  • Khi bạn bịt mắt hô “bắt đầu” mọi ngườ sẽ di chuyển đến khi hô “dừng lại” mọi người phải giữ nguyên vị trí. Khi đó bạn bịt mắt sẽ đi bắt một người bất kì. Các bạn xung quanh sẽ tìm cách tránh hoặc tạo ra âm thanh đánh lạc hướng.
  • Khi có bạn bị bắt, bạn bịt mắt phải đoán được tên người đó. Đoán đúng bạn bị bắt sẽ phải thay thế, đoán sai thì tiếp tục phải bịt mắt.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Ô ăn quan

Cần có:

Ô ăn quan là trò chơi dân gian quen thuộc ở Việt Nam từ rất lâu. Các bé sẽ kẻ ô trên nền đất và kiếm sỏi làm quân cờ gồm Quan và Dân.

Cách chơi:

  • Bàn chơi ô ăn quan được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia thành 5×2 ô vuông. Ở hai cạnh chiều rộng kẻ hai hình bán nguyệt có đường kính là chiều rộng của bàn cờ. Các ô hình vuông là ô dân. Ô hình bán nguyệt là ô quan.
  • Quân cờ gồm 2 quân quan đặt ở hình bán nguyệt. và 50 quân dân rải đều ở 10 ô dân mỗi ô 5 quân. Mỗi người chơi sẽ rải các quân cờ và tính toán chiến thuật sao cho ăn được nhiều quân cờ nhất. Người nào ăn được nhiều hơn thì người đó thắng.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Chơi chuyền

Cần có:

Đây là trò chơi dành cho các bé gái, thường có 2-5 người chơi. Đồ chơi gồm 10 que nhỏ và một quả tròn.

Cách chơi:

  • Các bé sẽ tung quả tròn lên cao và nhặt từng que rồi lại bắt lấy quả trước khi chúng rơi xuống đất.
  • Nếu quả rơi hoặc bốc nhầm que thì mất lượt chơi. Càng lên cao bài càng khó.
  • Khi chơi có nhiều bàn các bé sẽ đọc bài đồng dao khi chơi trò chơi này:

Cái mốt, cái mai
Con trai, cái hến
Con nhện chăng tơ
Quả mơ, quả mận
Lận đận, lên bàn hai…

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Nu na nu nống

Cần có:

Trò chơi này cần có nhiều hơn 1 bé chơi.

Cách chơi:

  • Các bé ngồi cạnh nhau. Duỗi thẳng chân và đọc bài vè của trò chơi này. Mỗi một từ sẽ vỗ vào một chân.
  • Từ cuối cùng của bài vè rơi trúng vào chân nào chân đó được co lại. Chân cuối cùng không được co là chân thua cuộc.

Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Bụt ngồi bụt khóc
Con cóc nhảy ra
Ông già ú ụ
Bà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he chân rụt.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Rồng rắn lên mây

Cần có:

Trò chơi dành cho 8-10 bé.

Cách chơi:

  • Một người đứng ra làm thầy thuốc. Những người còn lại làm rắn, người sau cầm đuôi áo người đằng trước.
  • Đoàn rồng rắn vừa đi vừa đọc bài đồng dao:

 

  • Sau đó thầy thuốc đuổi bắt người cuối cùng trong đuôi rắn. Trong khi người đứng đầu sẽ dang tay ra để ngăn cản không cho thầy thuốc bắt mất đuôi. Người đứng cuối cùng cũng phải chạy để không cho thầy thuốc bắt được mình. Nếu bị bắt người đó sẽ phải làm thầy thuốc.

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển vinh

Hỏi thăm thầy thuốc 

Có nhà hay không?”

Câu cuối cùng là khi rồng rắn đã đứng trước mặt thầy thuốc.

Thầy thuốc trả lời: “Đang ngủ”

Rắn lại đọc bài đồng dao. Thầy thuốc: “Đang ăn”

Rắn lại đọc bài đồng dao. Thầy thuốc: “Có nhà. Mẹ con rắn đi đâu?”

Rắn: “Mẹ con rồng rắn đi xin thuốc”

Thầy thuốc: “Xin khúc đầu?”

Rắn: “Cùng xương cùng xẩu”

Thầy thuốc: “Xin khúc giữa?”

Rắn: “Cùng máu cùng me”

Thầy thuốc: “Xin khúc đuôi”

Rắn: “Tha hồ mà đuổi”

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Mèo đuổi chuột

Cần có:

Trò chơi này cần 7-10 bạn.

Cách chơi:

  • Các bạn chọn ra hai người chơi đóng vai mèo và chuột bằng cách oẳn tù tì. Các bạn còn lại đứng thành vòng tròn, cầm tay nhau giơ cao lên đầu.
  • Hai bạn mèo và chuột đứng vào giữa vòng tròn quay lưng vào nhau. Mọi người cùng hát:

“Mèo đuổi chuột

Mời bạn ra đây

Tay nắm chặt tay

Đứng thành vòng rộng

Chuột luồn lỗ hổng

Mèo chạy đằng sau

Thế rồi chú chuột

Lại đóng vai mèo

Co cẳng chạy theo

Bác mèo hóa chuột”

  • Sau đó chuột sẽ chạy trước và mèo đuổi theo sau bắt chuột. Mèo và chuột sẽ chạy qua các chỗ trống và mèo phải chạy theo đúng đường chuột vừa chạy. Đến khi nào bắt được chuột thì mèo thắng.

Cướp cờ

Cần có:

  • 1 cái khăn bất kì tượng trưng cho cờ
  • 1 vòng tròn
  • Vạch xuất phát cũng là đích của 2 đội

Cách chơi:

  • Quản trò chia tập thể chơi thành hai đội, có số lượng bằng nhau, mỗi đội có từ 5-6 bạn, đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình. Đếm theo số thứ tự 1,2,3,4,5… các bạn phải nhớ số của mình.
  • Khi quản trò gọi tới số nào thì số đó của hai đội nhanh chóng chạy đến vòng và cướp cờ.
  • Khi quản trò gọi số nào về thì số đó phải về. Một lúc quản trò có thể gọi hai ba bốn số.
  • Khi đang cằm cờ nếu bị bạn vỗ vào người, thua cuộc.
  • Khi lấy được cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình không bị đội bạn vỗ vào người, thắng cuộc.
  • Khi có nguy cơ bị vỗ vào người thì được phép bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua.
  • Số nào vỗ số đó không được vỗ vào số khác. Nếu bị số khác vỗ vào không thua.
  • Số nào bị thua rồi (“bị chết”) quản trò không gọi số đó chơi nữa.
  • Người chơi không được ôm, giữ nhau cho bạn cướp cờ.
  • Khoảng cách cờ đến hai đội bằng nhau.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Dung dăng dung dẻ

Cần có:

  • Địa điểm: trong nhà ngoài sân
  • Số lượng: từ 5-10 em chơi 1 nhóm

Cách chơi:

  • Quản trò vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn ích hơn số người chơi.
  • Khi chơi, các bạn nắm áo tạo thành một hàng đi quanh các vùng tròn và cùng đọc bài vè.
  • Khi đọc hết chữ "đây", các bạn chơi nhanh chóng tìm một vòng tròn và ngồi xuống.
  • Sẽ có một bạn không có vòng tròn để ngồi, tiếp tục xoá vòng tròn và chơi như trên, lại sẽ có 1 bạn không có, trò chơi tiếp tục khi chỉ còn 2 người.
  • Trong 1 khoản thời gian, bạn nào không có vòng thì bị thua.
  • Hai bạn ngồi cùng 1 vòng, bạn nào ngồi xuống dưới là thắng.

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi,

Đi đến cổng trời

Gặp cậu gặp mợ,

Cho cháu về quê,

Cho dê đi học,

Cho cóc ở nhà,

Cho gà bới bếp,

Ù à ù ập

Ngồi sập xuống đây.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Chi chi chành chành

Cần có:

Nhóm chơi có thể từ 3 người trở lên

Cách chơi: 

  • Chọn một người đứng ra trước xòe bàn tay ra các người khác giơ ngón trỏ ra đặt vào long bàn tay vào.
  • Người xòe bàn tay đọc thật nhanh:

Chi chi chành chành.
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa chết trương.
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập.

  • Đọc đến chữ “ập”, người xòe tay nắm lại, những người khác cố gắng rút tay ra thật nhanh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì vào thế chỗ người xòe tay và vừa làm vừa đọc bài đồng dao cho các bạn khác chơi.

Tổng hợp các trò chơi dân gian đưa bé trở về với tuổi thơ như cha mẹ

Tập tầm vông

Cần có:

Trò chơi này cần 2 người hoặc 3, 4 người chơi.

Cách chơi:

  • Một người nắm một đồ vật nhỏ trong một bàn tay, trái hoặc phải (vd: viên sỏi) và giấu vào sau lưng.
  • Sau đó, người đó đọc to bài đồng dao và nắm chặt lòng bàn tay rồi đưa hai tay ra.
  • Những người chơi còn lại sẽ đoán xem tay nào có nắm viên sỏi.
  • Nếu người chơi bị đoán trúng tay nắm viên sỏi hoặc những người chơi còn lại không đoán được tay nào nắm viên sỏi thì tùy vào quy định của cuộc chơi có thể bị phạt khác nhau.

Tập tầm vông

Tay không tay có

Tập tầm vó

Tay có tay không

Nào các bạn đoán sao cho trúng

Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?

Tổng hợp

(Ảnh: Internet)


ConTuHoc khuyến nghị học sinh sử dụng hệ thống (tự) học thêm và ôn thi tối ưu TAK12 để đạt điểm cao nhất với thời gian ôn ít nhất. Đăng kí tài khoản miễn phí để bắt đầu:
Học tốt lớp 1-12 môn Toán, Tiếng Anh Ôn thi vào lớp 6 Ôn thi vào lớp 10 Nâng cao Tiếng Anh theo khung CEFR Ôn thi chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge, ETS, IELTS

 

Đăng kí nhận email

Nếu bạn muốn định kì nhận được email tóm tắt các thông tin cập nhật về tài nguyên, phương pháp học tập, các khóa học/CLB miễn phí và các chương trình ưu đãi của Giáo dục Con Tự Học

Trở thành Đại sứ Giáo dục Con Tự Học

 

Được khen ngợi nhiều

sổ học từ vựng thông minh azVocab